-khoi-nghiep-tu…-nong-dan,-tieu-phu,-tho-ho….jpg)
Tiền vệ Cao Quang Hướng (N.SG): Khởi nghiệp từ… “nông dân, tiều phu, thợ hồ…”
“Lơ thơ dưới núi tiều vài chú. Lác đác bên sông chợ mấy nhà…”. Đó là hai câu trong bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan khi đặt chân tới đèo Ngang, một con đèo nằm giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Và một trong hai cái địa danh đìu hiu vắng lặng khiến cho nữ thi sĩ phải thốt lên “còn ta với ta” ấy chính là huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), một trong những huyện lị mà những thập niên trước đây vẫn còn được liệt vào danh sách “đệ nhất nghèo” của nước ta.

Nhưng ngày đó đã xa rồi, Kỳ Anh bây giờ đã thay da đổi thịt, cụm cảng Vũng Áng đang trở thành một khu kinh tế trọng điểm của khúc ruột miền Trung. Dẫu vậy, vùng đất này vẫn còn nghèo lắm, người dân nơi đây vẫn sống dựa phần nhiều vào ruộng đồng, đồi nương. Và nơi ấy, có xã Kỳ Tiến của Cao Quang Hướng, tiền vệ đang chơi bóng cho CLB Navibank Sài Gòn, người đã kể những câu chuyện dài khiến tôi không dứt ra được trong suốt mấy tiếng đồng hồ.
Hướng là con trai một trong một gia đình có 5 chị em. Cũng như bao cậu bé ở vùng quê nghèo này, từ lớp 6, ở cái tuổi ăn, tuổi chơi, được cưng nựng; thì Hướng đã biết lăn vào phụ giúp công việc đồng áng cho gia đình. Hướng kể, tới nay anh không thể nhớ nổi đôi vai mình đã gánh gồng không biết bao nhiêu sào lúa; và đôi chân anh chẳng biết đi theo con trâu, cái bừa… với quãng đường bao xa. Nhưng nếu so với số km đã chạy trong sân bóng thì nó vẫn còn thua xa, xa lắm.
Hướng cũng thừa nhận, anh là một gã thanh niên lực điền, ở tuổi 16, ngoài công việc cày sâu cuốc bẫm, anh còn làm đủ các thứ nghề trên đời miễn là ai thuê, ai gọi. Nào phát rừng trồng cây, đi phụ hồ, đi vác đá làm đường, bốc gạch dựng nhà… Nhưng dẫu có làm gì đi nữa, Hướng luôn để dành cho mình một khoảng thời gian để quần thảo với trái bóng. Dù thế, bóng đá bấy giờ cũng chỉ là một trò tiêu khiển sau những giờ học, những giờ làm quần quật, chứ trong anh chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, ấy vậy mà…
GIẤC MƠ CỦA CẬU BÉ NGHÈO
Khả năng chơi bóng của cậu bé Cao Quang Hướng lọt vào mắt xanh của các thầy ở trường huyện, để rồi một ngày đẹp trời Hướng được “bốc” đi đá giải tỉnh và được chọn vào đào tạo chính quy của lớp năng khiếu bóng đá Hà Tĩnh. Thế nhưng, ở một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh, nơi mà bóng đá chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chàng trai người Kỳ Tiến đã phải sớm “gác bóng banh để theo nghiệp bút nghiên”.
Hướng chọn Khoa Giáo dục Thể chất của Đại học Sư phạm Vinh để đầu tư cho tương lai. Tiếc rằng, ở cả 2 kỳ thi liên tiếp, Hướng đều rớt. Khi giấc mơ làm ông giáo làng đã theo gió, Hướng trở về quê nhà và lại lăn ra đồng với hình ảnh quen thuộc “con trâu đi trước cái cày theo sau”.
Sau thời gian trăn trở, gia đình cũng quyết định xin cho cậu quý tử đi học sơ cấp Công An. Thế rồi, như một định mệnh, khi nghe tin đội bóng đá Quân khu 4 tuyển chọn cầu thủ, Hướng khăn gói nhảy xe buýt ra Vinh xin ứng thí. Và Hướng đã trúng tuyển. Ở tuổi 21, Cao Quang Hướng đã là một anh binh nhì. Cả gia đình thở phào bởi dẫu gì tương lai của cậu con trai đích tôn cũng thành người trong môi trường “kỷ luật là sức mạnh quân đội”.
“Chơi bóng bây giờ cũng giống như nhiệm vụ huấn luyện, đi làm kinh tế mới của bộ đội. Thú thực, tôi cũng chẳng dám mơ gì xa xôi, cứ phấn đấu tập luyện tốt chờ đợi tháng năm để được lên quân hàm, được trở thành quân nhân chuyên nghiệp đã là một mơ ước cả đời của gã thanh niên như tôi”. Hướng nói về quyết định gắn bó với cuộc đời mình với đội bóng quân khu.
Cũng chẳng ngờ rằng, QK4 của Hướng đã tạo nên một câu chuyện cổ tích khi giành quyền lên V-League 2009. Càng bất ngờ, bỗng một sáng thức giấc Hướng và những đồng đội đã trở thành người Sài Gòn. Năm 2010, đội bóng quân khu được chuyển giao cho Ngân hàng Nam Việt, rồi được thay tên đổi họ thành Navibank Sài Gòn.
GIẢI CỨU NGƯỜI QK4 CUỐI CÙNG
Hẳn chưa ai quên một cú đúp và một đường chuyền thành bàn của Cao Quang Hướng giúp N.SG đánh bại SLNA với tỷ số 3-0 trong trận tranh cúp QG mùa bóng 2011. Sự tỏa sáng của Hướng khiến HLV Mai Đức Chung cũng phải ngạc nhiên về cậu học trò mà ông vẫn nói vui là “quý nhân” của mình.
Sự thật, quân bài Cao Quang Hướng đã nằm trong chiến lược sử dụng con người của thuyền trưởng Mai Đức Chung ở mùa bóng mới. Thế nhưng, phút cuối vị HLV này đã phải chia tay N.SG để nhường chỗ cho HLV Phạm Công Lộc. Từ đó, các cầu thủ gốc Đồng Tháp ở N.SG luôn được ưu ái trong những phương án chiến thuật của nhà cầm quân xứ bưng biền.
Chẳng ai trách ông Lộc “cá lóc” bởi ông có cái lí của riêng mình khi đã hiểu những học trò cũ đến chân tơ kẽ tóc. Song vì điều đó mà nhiều người phải chặc lưỡi tiếc cho Hướng, một cầu thủ có cái chân trái khá dị, một trong số cầu thủ hiếm hoi của N.SG luôn mang đến sự đột biến nhờ những cú đi bóng xộc vào trung lộ táo bạo, hay những cú leo biên tạt bóng đạt xác suất khá cao.
Giữa mùa bóng khi Văn Lâm khăn gói rời N.SG, Quang Hướng chính là người QK4 cuối cùng còn sót lại ở đội bóng Sài thành. Nhắc đến đây, trong khóe mắt Hướng, một nỗi buồn khó nói thành lời. Dường như Hướng đang cô đơn, sự cô đơn của người lính cuối cùng còn sót lại; hay nỗi cô đơn của một cầu thủ đầy khát khao nhưng không được cống hiến?
Chiều nhá nhem, khi đã uống cạn cả chục ly trà đá, ấy vậy mà câu chuyện về đời và nghề của chàng trai 26 tuổi vẫn chưa dứt. Tôi nói với Hướng “đôi khi phải đợi chờ”. Hướng chỉ cười rồi lắc đầu… Mong lí trí Hướng không xao động trước nỗi niềm đã qua!