
Sáng qua (1/5), tức là chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau chiến thắng 2-0 giàu cảm xúc trước nhà ĐKVĐ SLNA, Thanh Hóa quyết định di chuyển sớm bằng đường bộ vào Huế để tập luyện, trước khi sang Đà Nẵng đọ sức với SHB.ĐN vào cuối tuần. Tuy nhiên, mới khởi hành được khoảng 50 km (đến địa phận huyện Tĩnh Gia), chiếc xe chở các cầu thủ và BHL đột nhiên chết máy.
Các thành viên của Thanh Hóa phải mệt mỏi chờ đợi ngoài trời giữa thời tiết nắng nóng gần 40 độ C. Dù đã rất cố gắng sửa chữa nhưng chiếc xe vẫn không thể lăn bánh trở lại, khiến các cầu thủ và BHL phải xé lẻ đội hình… vẫy những chuyến xe khách đang di chuyển theo tuyến Nam - Bắc để trở lại thành phố Thanh Hóa.
Vừa xuất hành đã gặp xui xẻo và các cầu thủ chịu cảnh mệt nhọc không đáng có, lãnh đạo CLB Thanh Hóa quyết định hủy bỏ kế hoạch di chuyển bằng đường bộ vào Huế. Thay vào đó, họ sẽ tập luyện tại đại bản doanh của mình cho tới thứ Năm rồi mới ra Hà Nội, di chuyển bằng máy bay vào Đà Nẵng.
Sự cố với Thanh Hóa, trước đó là của SHB.ĐN cho thấy quá trình di chuyển của các đội bóng Việt Nam luôn rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, các CLB (ngay cả đại gia) không phải lúc nào cũng hào phóng lựa chọn hình thức đi lại bằng đường hàng không khá tốn kém khi phải thi đấu xa nhà. Những chuyến hành xác di chuyển bằng đường bộ có thể kéo dài cả ngày trời không những làm thể lực cầu thủ bị bào mòn, mà còn khiến họ phải đối mặt với vô số “tai nạn” ngoài ý muốn.
Các CLB dù ý thức được những hiểm họa trong việc đi lại bằng đường bộ nhưng vẫn buộc phải chấp nhận. Chỉ tới khi không còn lựa chọn nào khác thì những chuyến bay nhanh gọn, an toàn nhưng tốn kém mới được tính đến.
Ai cũng nói làm cầu thủ chuyên nghiệp thời V-League ngày càng “lên giá” là sung sướng. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu nó khó khăn và vất vả thế nào, ít nhất là trên những dặm đường hành quân…
Bongdaplus.vn