
Nguyễn Việt Thắng
Việt Thắng năm nay đã 30 tuổi. Đỉnh cao của Việt Thắng không thể tách rời với chiến công vô địch của ĐT Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2008. Tuy nhiên, Việt Thắng không hề vô danh trước đó. Thắng nổi tiếng từ hơn 1 thập niên trước. Năm 1998, Việt Thắng - Thái Dương từng được giới hâm mộ chú ý khi được đi Pháp tập luyện ở CLB Bastia.
Hẳn nhiều NHM còn nhớ, chủ công một thời Kurniawan của Indonesia hay nhạc trưởng Thonglao của Thái Lan đi tập luyện ở trời Âu và sau đó khi về nước tỏa sáng như thế nào. Việt Thắng, với thể hình tốt, lối chơi mạnh mẽ cũng từng được kỳ vọng như những đồng nghiệp người Indonesia hay Thái Lan. Thực tế, dù chỉ ở Pháp một thời gian ngắn, song điều đó cũng đủ giúp Việt Thắng tìm được chỗ đứng ở đội bóng Công An TP.HCM. Thời điểm đó, đội bóng này còn rất nhiều “cây đa cây đề”, nhưng việc Việt Thắng thi thoảng chen vào đá chính với Huỳnh Đức cũng là một sự kiện lớn của CLB.
Chưa thực sự hài lòng, năm 2002, Việt Thắng quyết định dứt áo ra đi để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng thực sự. Anh lên phố Núi đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai, đá cặp cùng Kiatisak, Sỹ Hùng. Anh có vài trận thi đấu chói sáng nhưng phong độ thất thường. Giải C1 Đông Nam Á đầu tiên năm 2003, HA.GL tham dự, Việt Thắng dính thẻ đỏ trong trận đấu quan trọng, bị nghi ngờ dính vào tiêu cực và sau đó, bị treo giò gần 3 năm.

Hẳn nhiều người còn nhớ trước thềm SEA Games 2003 tại Việt Nam, người đã nói đến cặp tiền đạo Việt Thắng - Văn Quyến. Nhưng rồi Thắng gặp “nạn” và cơ hội được trao cho Thanh Bình. Việt Thắng mất duyên ở cấp độ đội tuyển kể từ đấy, cho đến khi HLV Calisto quay trở lại ĐTQG năm 2008.
Trước thời điểm đó, Việt Thắng đã có 2 mùa giải liên tiếp rất thành công trong màu áo Đồng Tâm Long An. Phong độ cao, Việt Thắng đẩy các ngoại binh lên ghế dự bị để liên tục đá chính. Anh cũng ghi những bàn thắng quan trọng và tạo ra những thời khắc đáng nhớ trong vai trò một tiền đạo “chim mồi” ở ĐT.LA. Công thức chiến thắng của HLV Calisto khi còn ở Long An luôn là cặp tiền vệ Minh Phương - Tài Em ở trung tâm, hai cánh là những cầu thủ kỹ thuật và tốc độ tốt Antonio - Tshamala. Việt Thắng đá cao nhất nhưng nhiệm vụ chính của anh là làm tường cho 2 cánh lao lên dứt diểm.
Khi được gọi vào ĐTQG, Việt Thắng cũng vẫn đóng vai trò mũi nhọn. Anh tạo điều kiện để Công Vinh, Quang Hải hoặc Vũ Phong tỏa sáng nhiều hơn. Quãng thời gian hơn 6 năm dưới quyền của HLV Calisto đã định hình lối chơi cho Việt Thắng. Thế nên sau đó, khi Việt Thắng rời Long An, chuyển đến Ninh Bình và gần đây là đến với B.Bình Dương, mỗi khi tung tiền đạo này vào sân, các HLV khác cũng chỉ nghĩ đến việc sử dụng Việt Thắng theo cách mà anh đã thuộc lòng: chơi như một tiền đạo làm nền cho người khác.
Sau 2 mùa giải ở Ninh Bình, Việt Thắng về với B.BD với bản hợp đồng giá trị không nhỏ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những điều Việt Thắng để lại ở CLB vẫn đang là dấu hỏi. Tất nhiên, nó còn phụ thuộc vào cách mà người ta sử dụng anh.
HLV Lê Thụy Hải rồi đến HLV Đặng Trần Chỉnh đều ít khi xếp Việt Thắng vào danh sách đá chính. Việt Thắng đang phải đánh bóng băng ghế dự bị. Anh xếp sau Fortune và Philani. Thậm chí, ngay việc vào sân từ băng dự bị, Việt Thắng cũng phải cạnh tranh quyết liệt với Brian.
Việt Thắng đang phải sống trong hoài niệm về những ngày huy hoàng khi làm học trò của HLV Calisto. Đến thời điểm hiện tại, chưa vị HLV nào có thể phát huy năng lực của anh tốt hơn ông thày người Bồ Đào Nha. Ai đó bảo rằng, anh hãy bỏ điều ấy ra khỏi tâm trí để về với thực tại khắc nghiệt hơn. Song, đó quả thực là việc rất khó đối với Việt Thắng. Đơn giản bởi năm nay anh đã 30 tuổi, thời điểm mà đối với một tiền đạo, người ta đã bắt đầu coi là lão tướng.
Nguyễn Anh Đức
Anh Đức sinh năm 1985, nổi tiếng trong thời gian Bình Dương cho Bưu Điện mượn thi đấu ở giải hạng Nhất 2003 và Đông Á Thép Pomina 2005. Cao to, mạnh mẽ, đánh đầu tốt, Anh Đức đã gây được ấn tượng bằng những bàn thắng. Tất nhiên, phong cách chơi bóng của anh có thể không được chú ý nhiều bởi kỹ thuật hơi cứng. Thế nhưng, các HLV từ cấp CLB đến ĐTQG lại luôn phải lưu ý tới Anh Đức, bởi có nhân tố này trong đội hình thì cũng gần giống với việc sở hữu một tiền đạo ngoại. Chịu khó chạy, theo sát những điểm nóng, săn đuổi cả… hậu vệ, Anh Đức luôn tạo ra áp lực cần thiết lên các đối thủ.

Mất gần 5 năm ra sân trong vai trò dự bị ở B.BD, mùa 2010, Anh Đức bất chợt bùng nổ khi ghi bàn liên tục. Đó là thời điểm HLV Đặng Trần Chỉnh sử dụng Đức ở vị trí tiền đạo thay vì tiền vệ cánh. Màn trình diễn thành công ở mùa giải 2010 và sự chững chạc khi được gọi tăng cường khoác áo ĐT Olympic Quốc gia (dự Asiad 2010 ở Quảng Châu) đã giúp Anh Đức có suất cùng ĐT Việt Nam dự AFF Suzuki Cup 2010. Tiếc rằng, kể từ thời điểm thăng hoa ấy, Đức lại đang có dấu hiệu chững lại. Bây giờ, đến một suất chính thức ở B.BD cũng đã là khó khăn đối với tiền đạo này.
Nguyễn Tăng Tuấn
Với danh hiệu Vua phá lưới giải U21 QG 2006, Tăng Tuấn bắt đầu quá trình chinh phục V.League. Với sự nỗ lực, tận dụng cơ hội ra sân dù là nhỏ nhất, Tăng Tuấn đã nhanh chóng ghi dấu ấn ở HA.GL.
Chỉ có điều, anh vẫn không thể tạo ấn tượng trong những lần xuất hiện ở cấp đội tuyển. Tăng Tuấn từng được gọi vào đội dự tuyển Olympic Quốc gia nhưng rồi phút cuối lại không có tên trong danh sách dự SEA Games 2009. Vượt qua những khó khăn ấy, Tăng Tuấn vẫn tiếp tục chứng minh năng lực của mình. Mùa 2011, anh ghi được 8 bàn, nếu tính riêng các cầu thủ nội thì tiền đạo này chỉ xếp sau Công Vinh (10 bàn), Đình Tùng (10 bàn), Văn Quyết (9 bàn). Nhưng cần phải lưu ý rằng, hiệu suất ghi bàn của Tăng Tuấn rất cao bởi anh không được đá chính nhiều như 3 cầu thủ trên.

Trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới, Tăng Tuấn không đạt được những thoả thuận với HA.GL. Vì thế anh quyết định ra đi tìm bến đỗ mới. B.BD đáp ứng kỳ vọng của Tăng Tuấn, bởi đây là đội bóng mạnh, giàu tham vọng. Tất nhiên, đến với B.BD, Tăng Tuấn cũng buộc phải cạnh tranh nhiều hơn. Anh phải sẵn sàng trong bất cứ trường hợp nào. Hẳn nhiều người còn nhớ ở giải Navibank Cup 2011 vừa qua, có thời điểm Tăng Tuấn được sử dụng như một… hậu vệ biên.
Tính đến thời điểm này, trong số 3 tiền đạo nội của B.BD là Anh Đức, Tăng Tuấn và Việt Thắng, xem ra chỉ có mỗi Tăng Tuấn là hạnh phúc nhất. Tăng Tuấn được ra sân chính thức 3 trận liền và cũng đã có 1 bàn làm động lực. Dù không được chơi ở vị trí sở trường tiền đạo mà phải nhập vai tiền vệ trái, song việc được ra sân thường xuyên ở B.BD cũng đã là một niềm hạnh phúc với Tăng Tuấn.
Ngoài mục tiêu giành chức vô địch cùng CLB, ba trung phong họ Nguyễn ở B.BD vẫn đang phải trăn trở với lời giải cho sự nghiệp cá nhân của riêng mình.
Bongdaplus.vn