
Ông Sáu Thành nói với tôi, cuộc đời làm bóng đá của ông có vô số kỷ niệm để nhớ, để thương. Nhưng ông bảo nếu phải chọn ra 2 sự kiện thì đó phải là câu chuyện ông ra Hà Nội đi kiện và trận đấu “độc nhất vô nhị” trong lịch sử bóng đá Việt Nam trên sân Vĩnh Long.
ÔNG SÁU THÀNH CẮP TRÁP… ĐI KIỆN
Hơn 1 tiếng ngồi hàn huyên, nửa trên ly cà phê đen đá của ông Sáu đã trong vắt vì nước đá tan chảy. Ông Sáu xoay xoay, đưa lên miệng nhấm nháp rồi cười tủm tỉm, hình như ông có cái gì vui thầm trong bụng. Tôi sực nhớ ra rằng chiều qua, CS.ĐT, “đứa con cưng” của ông và người dân xứ miệt vườn, đã đánh bại "thiếu gia" N.SG, đội bóng đã lấy đi rất nhiều tài năng của bóng đá Đồng Tháp.
Đang rôm rả nói chuyện bóng đá, bỗng nhiên ông Sáu Thành quay sang hỏi tôi: “Mà cháu có biết anh Dương Thu hông?” (Nhà báo Dương Thu của báo Vĩnh Long và là cựu trọng tài – PV). Tôi lấy làm ngạc nhiên, vì câu hỏi chẳng ăn nhập gì với câu chuyện giữa ông và tôi đang nói. Nhưng hóa ra, nhà báo Dương Thu chính là một chứng nhân cho câu chuyện nổi tiếng khắp Đồng bằng sông Cửu Long và BĐVN lúc bấy giờ - chuyện “Sáu Thành đi kiện”.
Đó là năm 1987, Đồng Tháp tham dự giải A2 toàn quốc khu vực 8. Số phận đưa Đồng Tháp và Kiên Giang gặp nhau trong trận cuối cùng. Và đó là trận đấu quyết định đội bóng nào được lên hạng A1 toàn quốc. “Một trận đấu khủng khiếp, sân cỏ được biến thành võ đài, BTC đã không bảo đảm được trật tự để diễn ra cảnh hỗn loạn trên sân. Trọng tài Dương Thu bị một số người hăm dọa nên đã điều khiển với tâm lí không tốt. Tráo trở nhất là tình huống một cầu thủ của đội Kiên Giang bị đuổi ra sân, nhưng bên ngoài, một cầu thủ khác lại được đem vào thay thế…”. Ông Sáu Thành kể lại trong trận đấu kỳ lạ giữa Đồng Tháp và Kiên Giang trên sân Châu Đốc (An Giang).
Kết thúc 90 phút so tài, Đồng Tháp của ông Sáu Thành đã thua Kiên Giang 2-3. Cảm thấy bất công, lấy tư cách là bảng trưởng, ông Sáu Thành đã triệu tập một cuộc họp báo. Từ Sài Gòn, những nhà báo Chánh Trinh, Hồ Nguyễn… được mời tham dự. Tại cuộc họp, trọng tài Dương Thu đã gửi bản tường trình và đề nghị tổ chức lại trận đấu. Tất cả các đội đều tán thành, trừ lãnh đội của Kiên Giang và An Giang, 2 đội bóng lẽ ra đã vào chơi trận chung kết. Ngay sau đó Kiên Giang và An Giang đã phát đơn kiện và cuối cùng Kiên Giang được xử thắng.
Không bằng lòng với kết quả này, vào một ngày tháng 5 năm 1987, Giám đốc sở TDTT Đồng Tháp, ông Phạm Ngọc Thành đã quyết định ra Thủ đô để theo kiện đòi lại công bằng cho đội bóng xứ bưng biền. “Tôi một mình ra Hà Nội, trong tay chỉ có giấy tờ, biên bản hủy bỏ trận đấu giữa Đồng Tháp và Kiên Giang, bản tường trình của trọng tài Dương Thu, một số bài báo, thư của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp gửi đồng chí Tạ Quang Chiến, lúc bấy giờ là Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT”. Ông Sáu Thành kể lại.
NẰM GAI NẾM MẬT & TRẬN ĐẤU “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” CỦA BĐVN
Vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, ông GĐ sở TDTT Đồng Tháp đã tới thẳng Tổng cục TDTT. Trong lúc chơi vơi thì gặp được BLV bóng đá nổi tiếng Lê Hoài Sơn (lúc bấy giờ là cán bộ của Tổng cục TDTT). Chính cái cơ duyên ấy đã đưa ông Sáu Thành gặp một người bạn mà sau này ông vẫn hay gọi là “quý nhân” của mình lẫn của cả bóng đá Đồng Tháp.
Suốt những ngày theo kiện, ông Sáu Thành ăn ở tại “tư dinh” của người bạn mới Hoài Sơn. Nói tư dinh nhưng thực chất đấy chỉ là căn nhà rộng chưa đầy 18m2. Chính nơi ấy, ông Sáu đã có những ngày tháng kỷ niệm và một tình bạn đẹp với BLV Hoài Sơn. “Tôi và bóng đá Đồng Tháp phải nói lời cám ơn đến Hoài Sơn. Ông ấy là một người chu toàn. Trong những ngày tháng ở Thủ đô đi kiện, anh Sơn lo cho tôi từng chén cơm đến ly trà đá. Nếu không có Hoài Sơn, dễ gì tôi có đủ sức để theo đuổi vụ kiện gần nửa tháng trời…”. ông Sáu nói.
Sự kiên trì của người bạn đến từ xứ Tháp Mười, khiến BLV Hoài Sơn cũng phải thốt lên: “Ông Sáu Thành quả thật kiên trì đến lì lợm”. Chính sự kiên trì và lì lợm ấy đã thuyết phục được lãnh đạo của Tổng cục TDTT và BTC giải bóng đá lúc đó cho Đồng Tháp thắng kiện. Vậy là hơn nửa tháng “nằm gai nếm mật”, ông Sáu Thành đã thành công, một sự kiện không chỉ có ông mà còn cả bóng đá Đồng Tháp đều vui mừng.
Sau quyết định của Tổng cục TDTT, trận chung kết buộc phải tổ chức đá lại trên sân trung lập Vĩnh Long. Đó là một trận chung kết độc nhất vô nhị của bóng đá Việt Nam và có lẽ cả thế giới, bởi chưa bao giờ, lại có đến 3 đội bóng (An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp) dự “trận đấu” này.
Và Đồng Tháp đã đánh bại đối thủ đầu tiên là An Giang 3-1. Cánh cửa lên hạng A1 đã mở toang, nếu như họ có một kết quả có lợi trước Kiên Giang. Oái ăm thay, ở trận “chung kết” ấy, lấy lí do đã thắng nên Kiên Giang… nằm trên khách sạn chứ không ra sân thi đấu.
Trận đấu vẫn được tổ chức, nhưng chỉ có duy nhất Đồng Tháp ở trên sân. Ông Sáu Thành đã nảy ra một “kế” không ai tưởng tượng nổi. Để chắc ăn, Đồng Tháp tự giao bóng rồi sút vào lưới đối phương 2 lần. Kết thúc trận đấu, BTC ghi vào biên bản Đồng Tháp thắng Kiên Giang 2-0. Thế là đội bóng xứ bưng biền đường đường chính chính lên hạng A1 toàn quốc.
Cũng chẳng ai ngờ rằng hơn 1 năm sau đó (năm 1989), trong trận chung kết giải A1 toàn quốc trên sân Hàng Đẫy, Đồng Tháp đã đánh bại cả “tượng đài” CLB Quân Đội (Thể Công) 1-0, qua đó tạo nên cú lật đổ ngoạn mục. Chức VĐQG đầu tiên cũng là sự khởi đầu cho chu kỳ hoàng kim của bóng đá Đồng Tháp. 7 năm sau, thêm một lần họ tái lập kỳ tích sau khi vượt qua Công An TP.HCM trong một trận đấu đáng quên của Lê Huỳnh Đức cùng các đồng nghiệp.
LỜI KẾT: CÔNG TRÌNH NÀY ĐÂU CHỈ RIÊNG AI
Khi ngồi vào bàn phím gõ những dòng kết này, tôi nhận được điện thoại của ông Sáu Thành. Ông chỉ chia sẻ một điều: “Cũng như tờ báo cần một ê kíp để sản xuất và phát hành, bóng đá cũng thế, một cá nhân không thể làm nên một công trình. Trong thành công mà bóng đá Đồng Tháp có được, Sáu Thành chỉ là một mảnh ghép nhỏ.
Tôi muốn gửi lời cám ơn tới những đàn anh, cộng sự đi trước, những người giàu nhiệt huyết với bóng đá như các lãnh đạo tỉnh, như những đồng nghiệp Phạm Duy Tiến, Lê Ngọc Chức, Đoàn Minh Xương cùng bao thế hệ cầu thủ đã trưởng thành và mang vinh quang về cho Đồng Tháp. Tôi cũng không bỏ qua những người bạn đi tiếp lửa như Lê Thanh Vĩnh - chủ biên cuốn kỉ yếu 66 năm bóng đá Đồng Tháp và những người đã đồng hành cùng tôi thời gian qua…”.
Vâng, tôi đã từng ví von ông Sáu Thành là “kiến trúc sư” cho thành công của bóng đá Đồng Tháp những năm 80 và 90 của thế kỉ trước. Ông không thừa nhận cái danh hiệu ấy, cũng chẳng huyễn hoặc về những gì mà mình đã làm được dù nó rất lớn lao. Đó thực sự là đức tính cao quý của người đàn ông được coi là “dị nhân” của bóng đá Đồng Tháp cũng như của cả BĐVN. Chúc cho ông sức khỏe, để tiếp tục giữ lửa cho bóng đá xứ Tháp Mười!”
Bongdaplus.vn