Thái độ chủ quan
Không thể loại trừ khả năng những người Anh chủ động thờ ơ với Europa League: đó không phải là một sự bao biện, mà là một truyền thống quá nổi tiếng của Premiership hay vài giải VĐQG khác. Harry Redknapp từng công khai chối từ sân chơi ít lợi lộc này, Martin O’Neill có thể tạo ra… 8 sự thay đổi trong đội hình chính Aston Villa khi ra đá Europa League (nếu làm điều tương tự với 2 trận Premiership khác nhau, ông đã bị phạt vì tội coi thường giải đấu). Người Italia đánh mất vị trí số 3 trên BXH UEFA cũng vì chủ động “buông” Europa League/UEFA Cup. Đó có phải chuyện đã diễn ra với 2 đội bóng Manchester?
Rất khó để kết luận điều đó, đặc biệt là nếu nhìn vào đội hình xuất phát của 2 ông lớn này. Những cầu thủ quan trọng nhất đều đã ra sân. Có một chút gợn trong đội hình xuất phát của M.U, với những thay đổi ở hàng thủ so với trận thắng Tottenham cuối tuần trước: Phil Jones được đẩy lên đá tiền vệ phòng ngự, Rio Ferdinand được nghỉ, Smalling và Rafael đá cặp trung vệ. Hai sự thay đổi này đã phá nát hàng phòng ngự của M.U và giúp Bilbao có tới 3 bàn thắng.
Nhưng việc cho Ferdinand nghỉ không thể coi là “chủ động buông”: đó là một quyết định có lý khi thể lực của anh đã suy giảm nhiều ở độ tuổi ngoài “băm”. Đây chỉ có thể coi là một sự chủ quan về chiến thuật, và tất nhiên là chủ quan về tâm lý thi đấu.
Nếu M.U trở nên lép vế trước Bilbao trên sân nhà, thì Man City kiểm soát bóng nhiều hơn trên sân khách, nhưng triển khai tấn công bế tắc và phải cảm thấy may mắn vì chỉ thua có 1 bàn. Vấn đề tinh thần thi đấu của Man City khi rời Etihad, thật ra chẳng còn là vấn đề xa lạ.
Thực tế tất yếu?
Ngoài sự chủ quan, cũng không thể phủ nhận rằng tương quan lực lượng của 2 đại gia nước Anh và 2 đối thủ tên tuổi từ bán đảo Iberia thực ra không chênh lệch nhiều. Giới truyền thông hùng mạnh Anh quốc không còn lý do để thổi lên những ảo tưởng về sức mạnh của Premiership nữa: những cái tên mà Bilbao, đội bóng xếp thứ 5 ở La Liga đang sở hữu, như Martinez, Llorente hay Ander, hoàn toàn có thể trở thành ngôi sao của bất kỳ đội bóng nào tại Premiership. Sporting Lisbon cũng không khiến ai ngạc nhiên vì khả năng mài dũa ngọc thô thành các ngôi sao trị giá hàng chục triệu euro. Đây không phải là một cuộc san bằng đẳng cấp: đối thủ của họ vẫn giữ nguyên sức mạnh và bản sắc, chỉ có điều Premiership đã đi xuống.
Premiership đã đi xuống. Để diễn giải sự đi xuống ấy thì rất dài, nhưng có một điều cần lưu tâm về sức mạnh của bóng đá Anh: sự trượt giá của đồng bảng và sự phá giá cầu thủ. Người ta đã luôn có xu hướng sử dụng giá trị chuyển nhượng để đong đếm sức mạnh của một cá nhân, một đội bóng. Nhưng thực chất, đồng bảng hôm nay đã mất giá tới gần 50% so với trước kia, một trung vệ như Chris Smalling, với giá 9 triệu bảng, trình độ chỉ ở hạng xoàng và có thể trở thành “thảm họa” bất cứ lúc nào. Tương tự là các ngôi sao đắt tiền bên phía Man City, đơn cử như Barry (12 triệu bảng) cũng chưa đủ tầm vóc để chinh phạt châu Âu.
CON SỐ:
6. 6 pha cứu thua của Joe Hart trong trận gặp Sporting Lisbon chỉ là thành tích tốt thứ hai của chính anh trong mùa này. Đây chưa phải trận Man City bị dồn ép kinh khủng nhất: trận gặp Bayern Munich ở vòng bảng Champions League, Hart đã cứu thua 9 lần.
16. Đã 16 năm kể từ lần cuối cùng M.U thua 2 trận đấu liên tiếp tại cúp châu Âu trên sân nhà. Năm 1996, họ để thua cả Juventus và Fenerbahce trên sân nhà tại vòng bảng Champions League.
23. Athletic Bilbao đã có 23 pha dứt điểm về phía khung thành của De Gea. Ở tất cả các đấu trường, sân nhà hay sân khách mùa này, chưa bao giờ M.U hứng chịu nhiều cú sút đến thế.
Bongdaplus.vn