
1. Trận Anh - Hà Lan tại Wembley đêm nay ban đầu được dự kiến tổ chức vào ngày 10/8/2011. Nhưng nó đã phải hoãn hơn 4 tháng vì cuộc bạo loạn khủng khiếp ở London trong giai đoạn ấy. Và nếu nhìn lại lý do của cuộc bạo loạn London, sẽ thấy có chút gợn: phân biệt chủng tộc. Mọi thứ đã bắt đầu khi trong quá trình bắt giữ, cảnh sát London bắn chết Mark Dugan, một thanh niên da màu, hành động đó khiến cộng đồng da màu nước này nổi giận.
Cứ như là một câu chuyện ngụ ngôn, bởi trong 4 tháng kể từ thời điểm đó, ĐT Anh biến thành một đội bóng hoàn toàn khác. Lý do cũng lại là phân biệt chủng tộc. Anton Ferdinand tố cáo John Terry. Các công tố viên đọc khẩu hình được chữ “black” (đen) trên miệng đội trưởng Chelsea. Anh phải ra tòa, băng đội trưởng bị tước. Capello bất bình rồi từ chức. Một sự hỗn loạn được tạo ra.
Chỉ trong 4 tháng, đối thủ dự kiến của Hà Lan đã “lột xác” thành một kẻ khốn cùng bởi những sự kiện phân biệt chủng tộc. Dường như có mối liên quan nhân-quả ở đây, bởi ai cũng biết bóng đá có vai trò quan trọng trong định hướng đám đông.
2.Đã 123 năm kể từ ngày thủ môn Arthur Wharton ký hợp đồng chuyên nghiệp với Rotherham Town để trở thành cầu thủ da đen đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh nói riêng và thế giới nói chung. Đã 44 năm kể từ lần đầu tiên Viv Anderson trở thành cầu thủ da đen đầu tiên khoác áo đội tuyển Anh. Và 4 năm trước, đã có cả một HLV da đen dẫn dắt một đội bóng Premiership, Paul Ince của Blackburn.
Tiến trình hòa hợp sắc tộc trong "môn thể thao vua" ở đất nước này đã diễn ra liên tục và gấp gáp trong suốt hơn một thế kỷ. Nhưng cho đến tận ngày hôm nay, vẫn còn những vụ phân biệt chủng tộc đầy tai tiếng, từ cầu thủ đến các khán đài.
Rồi những hiềm khích trên sân cỏ, được truyền hình trực tiếp cho hàng triệu người, lại tác động vào ý thức xã hội. Và có thể khiến những tòa nhà cháy, xe bị đập phá, người chết, cửa hàng bị hôi của.
Nhìn vào những thành tựu (Viv Anderson, Paul Ince) thì hiểu rằng người Anh đã rất nỗ lực. Nhưng nhìn vào hiện trạng thì hiểu thêm rằng có nỗ lực bao nhiêu vẫn chưa đủ. Các nhà làm bóng đá Anh cần một sự cực đoan.
Đã có rất nhiều phân tích chỉ ra rằng John Terry, xét về chuyên môn bóng đá đơn thuần, là thủ lĩnh xứng đáng nhất của đội tuyển Anh. Mất anh và HLV Capello, đội tuyển Anh sẽ yếu đuối nhiều phần. Điều đơn giản ấy, FA chắc chắn hiểu. Nhưng chính vì nó dễ hiểu quá, nên buộc phải nghĩ theo hướng họ đã quyết định hy sinh lợi ích chuyên môn để đảm bảo sự cực đoan của mình.
3. Phân tích sức mạnh của đội tuyển Anh bây giờ, nhìn đâu cũng thấy thiếu và yếu. Nhưng nếu nhìn theo một hướng khác, rộng hơn, vẫn thấy thành công: có tới 8 tuyển thủ da màu được triệu tập cho trận gặp Hà Lan. Trong đợt triệu tập giao hữu lần này, đó là số lượng cầu thủ da màu nhiều nhất của một đội tuyển châu Âu (bằng với đội tuyển Pháp, nơi tỷ lệ người da màu/dân số gấp rưỡi Anh).
Cựu danh thủ John Barnes, người đã gánh chịu sự kỳ thị chủng tộc trong suốt sự nghiệp, hôm qua viết một bài báo dài ca ngợi tỷ lệ da màu ấy. Hơi “lệch pha” so với không khí cạnh tranh gấp gáp của một mùa EURO. Nhưng đó không phải là AQ, mà mang một ý nghĩa riêng, đặc biệt là nếu nhớ lại cuộc bạo loạn kinh hoàng kia.
Có thể họ sẽ lại thua tan nát ở phương diện thể thao, có thể John Terry đã chịu thiệt thòi, nhưng FA cũng đã cố tôn trọng ý nghĩa của bóng đá.
Bongdaplus.vn