
“Một đội bóng đá” là hình ảnh ước lệ hay được sử dụng nhất khi một người muốn nói về mong ước con đàn cháu đống. Thú vị nhất là người Mỹ cũng thích sử dụng hình ảnh này, cho dù với họ “bóng đá” (soccer) chỉ là môn thể thao số 5, số 6. Lady Gaga, nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất hành tinh thời điểm này, trong buổi trả lời phỏng vấn cách đây mấy hôm cùng Oprah Winfrey cũng nói rằng, cô muốn có đủ trẻ con để lập một “soccer team” (đội bóng đá). Dù lần duy nhất người ta thấy Lady Gaga đến SVĐ cùng thứ phục trang quái dị của cô là đi xem bóng chày.
Đó là một hình ảnh đẹp. Những đứa trẻ quần đùi, áo phông chạy cùng trái bóng, chắc là đẹp hơn trong những bộ giáp trụ khổng lồ như môn bóng bầu dục hoặc đứng lăm lăm cái gậy như môn bóng chày.
Và quan trọng nhất là có một cảm giác bình đẳng rất rõ ràng trong hình ảnh “đội bóng đá” mà các bà mẹ mơ ước. Trong bóng bầu dục của người Mỹ, các vị trí có tầm quan trọng khác xa nhau, lương trung bình của một tiền vệ (quaterback) ở NFL có thể cao gấp đôi lương của bất kỳ vị trí nào khác trong đội.
Bóng đá đã và sẽ được yêu quý bởi sự tôn vinh tinh thần tập thể tối đa của nó. Đó là môn thể thao mà cái chung luôn được đặt cao hơn cái riêng.
2.Lịch sử bóng đá vẫn luôn ghi nhận những cá nhân xuất sắc. Nhưng tình yêu của những người xem bóng đá, phần lớn vẫn gắn vào những cái tên đội hơn là tên người.

Trong môn thể thao ấy, vẫn vinh danh những cá nhân không hề hoàn hảo khi đứng riêng, nhưng luôn biết cách là một miếng ghép hữu hiệu của một chiến thuật chung. Hãy nhớ lại Oliver Bierhoff, chàng tiền đạo gần như không biết chơi bóng bằng chân. Nhưng anh vẫn luôn tự hào rằng mình có thể dùng những cú đánh đầu để trở thành Vua phá lưới Serie A mùa 1997/98, đánh bại cả “Người ngoài hành tinh” Ronaldo. Đó là một người Đức, những người luôn biết tạo ra một cỗ máy hùng mạnh từ những chi tiết bình thường.
Ngay cả Barcelona của thập kỷ này, cũng không phải đội bóng của những cá nhân: đó là đỉnh cao của lối chơi đồng đội. Bằng chứng rõ ràng nhất là ngôi sao tưởng như toàn bích nhất của họ, Lionel Messi, tách ra khỏi cái hệ thống ấy, trở thành một cầu thủ… vô dụng trong màu áo Argentina.
Con số ở mùa giải trước chỉ ra rằng trong màu áo Barca, cứ trung bình 1 phút Messi lại được nhận bóng 1 lần. Đó mới là tiền đề quan trọng nhất để tạo ra kỷ lục của anh, chứ không phải các pha rê dắt thượng thừa hay dứt điểm chính xác.
3.Và nếu xét đến khả năng bảo toàn “cái chung” của bóng đá, Messi hơn Bierhoff được bao nhiêu? Anh đã không thể thích ứng với đội tuyển Argentina, và có thể cũng sẽ chẳng được lắp ráp vừa vặn ở bất cứ đâu, nếu không nhận được 1 đường chuyền/phút. Bất kỳ cầu thủ châu Phi nào cũng có thể hơn kỷ lục gia Leo Messi ở khả năng thích ứng, chứ đừng nói đến người Đức hay Brazil.
Barca tạo ra Messi, chứ Messi không tạo ra Barca. Cái chung tạo ra cái riêng, chứ cái riêng không quyết định cái chung. Không có gì vô lý khi tôn vinh người nghệ sỹ kỳ tài trên sân cỏ với những gì anh đã đem lại. Nhưng đó không nên là một sự thần thánh hóa.
Chẳng bà mẹ nào bày tỏ mong ước kiểu này: “Tôi muốn có một đội bóng, và có một đứa trong số chúng phải giỏi như Messi”.
Bongdaplus.vn