1. HLV Alex Ferguson gọi cuộc đối đầu giữa đội bóng của ông và Man City là “derby của mọi trận derby”. Đội trưởng Vincent Kompany của Man City thì tuyên bố trận derby này: “Có tầm vóc ngang với chung kết Champions League và World Cup”. Cựu danh thủ M.U và bây giờ là BLV kênh Sky Sports Gary Neville khẳng định trận đấu này sẽ thay đổi cục diện bóng đá Anh trong một tương lai dài… Trong thế giới bóng đá, người ta đang nhắc đến derby Manchester với sự trọng thị tuyệt đối.
Trong những phát ngôn ấy, có phần nào sự cường điệu. Sẽ không ai quên được “hệ quy chiếu châu Âu”, nơi cả 2 đội bóng thành Manchester đã lầm lũi dắt tay nhau rời cuộc chơi.
Khi đã yêu, thần thánh hóa là điều dễ hiểu. Năm 2009, báo chí còn đưa tin ở Phillipines, một người đã bị 4 thanh niên đánh đến chết vì “tội” dám hỏi một tay trong số chúng “đang hát bài gì?”, khi tay này ngân nga ca khúc “Nobody” của Wonder Girls. Thế thì việc không biết đến derby Manchester, cũng có thể là tội ác trong mắt nhiều người.
Nhưng bên cạnh sự cường điệu mà giới truyền thông hay chính những người trong cuộc đang tạo ra quanh derby Manchester, vẫn có những lý do để tin rằng đây thực sự là một trận đấu lớn, rất lớn. Nói như tờ The Japan Times, một kênh thông tin khó nghi ngờ tính trung lập, thì ở trận đấu ấy “có những điều làm nên ý nghĩa của bóng đá”.
2.Nếu Man United thắng, đó là sự tái khẳng định tối cao về việc tiền không thể mua được vinh quang trong thể thao. Chúng tôi đã phân tích nhiều lần để chỉ ra 1 tỷ bảng mà Sheikh Mansour ném vào bóng đá mang lại nhiều lợi ích cho môn thể thao này ở tầm vĩ mô, nhưng chỉ xét riêng một CLB, thì thành công có được từ sự nhẫn nại tạo dựng vẫn ý nghĩa hơn bội phần.
Nếu Man City thắng, đó là tín hiệu của một cuộc cách mạng về trật tự ở Premier League. Man United, dẫu đã thống trị giải đấu này theo một cách xứng đáng, không khỏi khiến người ta có cảm giác về một sự nhàm chán theo kiểu Lyon đã tạo ra ở Pháp thập kỷ trước. Và dù có thành công theo cách nào, Man City cũng đã chơi một thứ bóng đá đẹp.
Nếu Carlos Tevez ghi bàn vào lưới đội bóng cũ để mang về chiến thắng, đó sẽ là một khoảnh khắc đầy cảm xúc, là thứ “làm nên ý nghĩa của bóng đá”. Rất nhiều những suy ngẫm có thể nối tiếp: từ cách anh khiến mình bị hắt hủi rồi quay trở lại, cho đến việc M.U vì tiếc 25 triệu bảng mà đẩy anh đi…
Nếu Mario Balotelli được sử dụng trở lại và lập công, cảm xúc còn nhiều hơn nữa. Cuối cùng, người ta sẽ phân định đẳng cấp một cầu thủ từ trình độ hay nhân cách của anh ta? Balotelli sẽ khiến nhiều người bối rối.
Còn rất nhiều chữ “nếu” ý nghĩa nữa: nếu Sir Alex nghỉ hưu sau một thất bại, nếu David de Gea trở thành người hùng, nếu trọng tài lại một lần nữa khiến người xem buộc phải nghĩ về một âm mưu… thì đó là bóng đá.
3.Rốt cục thì bóng đá trở thành môn thể thao Vua vì nó mang lại cho người xem nhiều cảm xúc, chứ không phải bởi luật chơi khoa học hơn bóng bầu dục, hay số lượng VĐV dự trận đấu đông hơn tennis.
Derby Manchester là một cuộc hội tụ của những xúc cảm mãnh liệt. Và chỉ thế thôi là đủ để nó “có tầm vóc của World Cup” như theo lời Kompany. Chứ không phải bởi trình độ của M.U và Man City ở mức nào.
Gần 1/10 dân số thế giới sẽ xem trận đấu này. Cho dù chưa chắc nó đã hấp dẫn như trận lượt đi. Cho dù các CĐV Athletic Bilbao có quyền cười vào những tuyên bố “thần thánh” quanh derby Manchester.
Bongdaplus.vn