“Chelsea đã đưa cậu ấy đi trái luật”, HLV của Lens khi đó Francois Collado nói. “Tôi đã giải thích luật FIFA với Peter Kenyon và nói cho ông ấy rằng họ có thể bị cấm chuyển nhượng”. Cảnh báo của Collado không thừa. Tháng 9/2009, Ủy ban kỷ luật của FIFA phạt Kakuta 780.000 euro, treo giò anh 4 tháng và yêu cầu Chelsea trả cho Lens khoản bồi thường 130.000 euro cũng như suýt nữa thì phạt đội bóng London cấm chuyển nhượng 2 mùa.
Từ tất cả những tranh cãi đó, Kakuta tới Stamford Bridge với kỳ vọng lớn. “Kakuta là một cầu thủ tuyệt vời, người giỏi nhất ở CLB này xét về kỹ thuật”, John Obi Mikel từng nói với báo chí Anh. “Chúng tôi tập với anh ấy mỗi ngày và những gì anh ấy làm được thật tự nhiên”. Kakuta được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất của đội trẻ Chelsea mùa 2007/08 sau khi ghi 12 bàn trong 24 trận.
“Cậu ấy là người duy nhất chơi tốt tối nay”, HLV Carlo Ancelotti nói sau trận hòa 2-2 của Chelsea với APOEL ở Champions League. “Cậu ấy sẽ là tương lai của Chelsea”. Tuy nhiên, chiến lược gia người Ý đã ca tụng cầu thủ trẻ của ông quá lời. Mặc áo số 44 trong trận đấu đó, Kakuta làm tốt lắm cũng chỉ là trung bình, với tỉ lệ chuyền bóng thất bại 26%, nhiều nhất trong các cầu thủ Chelsea. Anh cũng chỉ có 1 cú sút, ít hơn Joe Cole 5 lần dứt điểm. Số lần đi bóng thành công của anh còn tệ hơn: ze-ro.
Ở đội trẻ Chelsea khi đó, Nemanja Matic, Daniel Sturridge, Fabio Borini và Josh McEachran thực ra đều chơi tốt hơn Kakuta. Quyết định cho mượn anh sang Fulham mùa 2010-11 là một sai lầm của The Blues, khi tiền vệ người Pháp chỉ được ra sân 7 trận và không thể cạnh tranh nổi với những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm và tài năng cũng hơn anh, Damien Duff và Clint Dempsey?
Số phận của Kakuta sau đó là những cuộc lang bạt kỳ hồ ở Bolton, Dijon (Pháp) rồi Vitesse Arnhem. Ở Bolton, tình trạng lại giống như Fulham, khi HLV Owen Coyle ưa thích hơn những cầu thủ nhiều kinh nghiệm có thể giúp ông trụ hạng như Chris Eagles hay Martin Petrov và Kakuta không được ra sân một trận nào tại Premier League với Coyle.
Tình hình có khá hơn ở Dijon, khi Kakuta ghi 6 bàn trong 12 trận đá chính, nhưng như thế vẫn là không đủ. Anh đứng đầu Ligue 1 về số lần bị mất bóng trung bình mỗi trận (4,6) và 475 cầu thủ ở giải vô địch Pháp có tỉ lệ chuyền bóng thành công tốt hơn Kakuta (65,4%). Ở đội trẻ Chelsea, Matic, Tomas Kalas và Slobodan Rajkovic đều trưởng thành nhanh chóng khi được cho mượn sang Vitesse, nên Kakuta cũng được đẩy sang đó, 2 mùa liên tiếp vừa rồi.
PSV đã ghi 103 bàn ở Eredivisie mùa này, điều cho thấy bóng đá ở đây thiên về tấn công ra sao. Kakuta trên lý thuyết cũng có lợi thế trước các hàng thủ của Roda JC, VVV-Venlo hay Willem II, nhưng không, anh không ghi nổi bàn nào vào lưới bất kỳ đối thủ nào ở Eredivisie. Tệ hơn, cựu HLV Vitesse Fred Rutten liên tục than phiền rằng Kakuta thiếu chuyên nghiệp.
Trường hợp của Kakuta khiến người ta nhớ lại Freddy Adu, một tài năng người Mỹ từng được ca ngợi lên mây xanh khi còn quá trẻ, để rồi cũng gây thất vọng não nề. Adu, hiện 24 tuổi, đã chơi cho 9 CLB khác nhau trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình. Kakuta, trẻ hơn 3 tuổi, cũng đã khoác áo 6 đội. Dù anh vẫn còn thời gian, hành trình của Kakuta từ ngôi sao triển vọng nhất trở thành một Jeremie Aliadiere, một Adu nữa, không còn xa.