
1.Cuối những năm 1980, bóng đá Anh rơi vào thời kỳ suy thoái. Nạn Hooligan lan tràn. Thảm họa Heysel khiến các CLB ở xứ sương mù phải làm khán giả bất đắc dĩ tại những giải đấu hàng đầu châu Âu suốt 5 năm. Hạng Nhất Anh - giải đấu luôn đứng đầu hệ thống thi đấu của bóng đá Anh suốt từ năm 1888, rơi vào cảnh phải “ngửi khói” cả Serie A lẫn La Liga về lượng khán giả đến sân và doanh thu. Rất nhiều siêu sao bóng đá hàng đầu nước Anh bỏ ra nước ngoài thi đấu.
Một bầu không khí u ám bao trùm. Sự suy kiệt của bóng đá Anh khiến người ta bất giác nhớ về quãng thời gian kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Đó là sự kiện diễn ra từ năm 1324 đến 1667, suốt 343 năm, bóng đá bỗng trở thành môn thể thao… bất hợp pháp tại Anh. Vua Edward II lắng nghe lời thỉnh cầu của 30 quý tộc, ban bố lệnh cấm bóng đá trên toàn nước Anh. Lý do: Những trận đấu bóng đá phát ra quá nhiều tiếng ồn đinh tai nhức óc, khiến các doanh nhân không thể làm ăn.
Quay trở lại dòng chảy của giải đấu hàng đầu nước Anh. Sau khi lệnh cấm của UEFA được gỡ bỏ, những nhân vật trăn trở với sự phát triển của nền bóng đá Anh đã làm hết sức mình để mang lại một vị thế nhất định cho nước nhà. Bước ngoặt rồi cũng tới.
Bản báo cáo Taylor sau thảm họa Hillsborough đã làm thay đổi nhận thức của hầu hết các CLB Anh về khái niệm “an toàn trong bóng đá”. Những tiêu chuẩn an toàn được đưa vào áp dụng, kỷ luật siết chặt. Đó là bước đi đầu tiên mang đến diện mạo của bóng đá Anh hôm nay. Năm 1986, bóng đá xứ sương mù ký bản hợp đồng truyền hình lớn đầu tiên, mang về doanh thu 6,3 triệu bảng. Đến năm 1988, con số này tăng lên thành 44 triệu bảng. Và rồi đến năm 1993, Premier League ra đời, mở ra một thời kỳ cực thịnh của nền bóng đá xứ sở sương mù.
2.Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh câu hỏi: Tại sao Premier League luôn giữ được vị thế số một hành tinh, mặc dù theo thống kê sau gần 20 năm tồn tại và phát triển, giải đấu này chỉ chứng kiến vỏn vẹn 4 CLB thay nhau vô địch (La Liga có 5 CLB và Bundesliga có 6). Đó chẳng phải là con số chứng minh sự nhàm chán của Premier League hay sao?
Đừng thiển cận như thế. Premier League có những giá trị không thể đánh giá bằng những con số. Hãy thử trả lời những câu hỏi sau đây: Premier League có dàn xếp tỷ số như Serie A không? Premier League có những siêu thế lực kiểu Barca, Real hay không? Premier League có những ông Vua, bà Hoàng thủ cựu, cứ níu giữ mãi những giá trị thuộc về truyền thống mà quên mất dòng chảy hối hả của thế giới túc cầu không? Trong 20 năm tồn tại, có nhà vô địch Premier League nào bị tước danh hiệu vì mua trọng tài, mua tỉ số không?
Chưa hết. Có giải đấu nào phục vụ NHM cả dịp Giáng sinh lẫn năm mới như Premier League không? Serie A, La Liga, Bundesliga có vòng đấu tặng quà không? Hay hễ đến dịp nghỉ lễ, các cầu thủ ở 3 giải đấu đối trọng của Premier League lại lũ lượt kéo nhau ra những bãi biển đầy nắng và gió, bỏ mặc NHM trong cơn thèm khát tận hưởng bầu không khí sôi động như ở Premier League.
Và vì luôn đặt cảm nhận của NHM lên hàng đầu, Premier League mới đạt kỷ lục phát sóng trên 212 quốc gia, phục vụ 643 triệu người xem. Có tới 92,2% trận đấu tại Premier League không còn một ghế trống.
Chưa bao giờ Premier League vĩ cuồng, tự đặt họ vào vị thế của những kẻ thống trị hành tinh bóng đá. Nhưng trong trái tim của nhiều NHM, bản thân khái niệm Premier League đã là một tượng đài.
Bongdaplus.vn