1. Tuổi tác của Xavi
Tất cả đều biết, Xavi chính là trái tim của tiqui-taca, chứ không phải Messi. Messi chỉ là người khiến cho tiqui-taca trở nên bùng nổ, khó lường, không thể ngăn chặn, còn người quyết định lối chơi ấy có được vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không vẫn là tiền vệ nhỏ con mang áo số 6. Và không phải những cú qua người hay bứt tốc của Messi, chính những pha chọc khe ngọt như dao nóng cắt bơ của Xavi mới là yếu tố làm thay đổi nhịp điệu của tiqui-taca, từ đều đều, ru ngủ sang dồn dập, chết chóc. Tại sao Tây Ban Nha không có Messi vẫn có thể thống trị thế giới bằng tiqui-taca?
Nhưng một cỗ máy dù hoàn hảo đến mấy thì cũng có lúc rệu rã. Dấu ấn của tuổi tác không thể hiện rõ ở thể lực của Xavi, bởi anh không phải mẫu tiền vệ chơi tốn sức. Dấu ấn của tuổi tác in hằn lên chính thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của Xavi: Tốc độ và tính đột biến của những đường chuyền. Trong trận đấu với PSG ở vòng tứ kết, Xavi đã lập kỷ lục thế giới khi có tỉ lệ chuyền bóng chính xác tròn 100%. Nhưng điều đó không có nghĩa là kỹ năng chuyền bóng của anh đã tới mức thượng thừa. Ngược lại, con số ấy cho thấy Xavi đang đề cao tối đa sự an toàn. An toàn tới mức không còn chỗ cho đột biến.
2. Không may với các chấn thương
Barca rõ ràng không gặp may, khi vào thời điểm quan trọng, họ mất một loạt trụ cột ở cả ba tuyến vì chấn thương. Tất cả những ai nhìn vào đội hình trận lượt về ở Nou Camp tối qua đều có chung cảm giác Barca không thể làm nên điều kỳ diệu. Hàng thủ mất Puyol, Mascherano vì chấn thương, mất Jordi Alba vì treo giò. Hàng tiền vệ mất Sergio Busquets, nhân tố quan trọng nhất nơi tuyến giữa Barca theo đánh giá của nhiều chuyên gia. Còn hàng công thì mất Messi. Mất một người trong số này, Barca đã không còn là chính mình. Ở đây, Vilanova còn mất cả loạt.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Việc các trụ cột chấn thương hoặc sa sút thể lực ở thời điểm quan trọng xuất phát từ cách dùng người không hợp lý của Vilanova và HLV tạm quyền Jordi Roura. Khách quan mà nói, Barca chịu thiệt thòi lớn trong giai đoạn Vilanova phải sang Mỹ trị bệnh. Lúc ấy, để an toàn, Roura đã liên tục sử dụng các trụ cột và hạn chế tới mức tối thiểu những thử nghiệm. Nhưng dù gì, mùa này, các cầu thủ trẻ của Barca đã được trao quá ít cơ hội. Nếu được sử dụng đúng lúc đúng chỗ, những Thiago, Tello... có thể làm được điều gì đó, ít nhất là thổi được một luồng gió mới vào bầu không khí cũ kỹ ở Nou Camp.
3. Bản lĩnh Vilanova
Hai lần chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư, Tito Vilanova là một người phi thường. Việc ông dám nhận lời tiếp quản Barca từ tay Pep, trong thời điểm tất cả đều nhìn thấy một sự thoái trào khó tránh khỏi, cũng cho thấy sự dũng cảm hơn người. Nhưng từ sau khi trở lại từ New York, Vilanova đã không còn thể hiện được những phẩm chất tuyệt vời ấy nữa. Hai lần bước qua cõi chết dường như đã làm thay đổi hoàn toàn con người Vilanova. Ông điềm tĩnh hơn, tỏ vẻ sẵn sàng cho mọi khả năng xấu nhất. Nhưng ông lại đánh mất đi sự háo hức, nhiệt tình. Và không còn sẵn sàng cho những cách tân.
Năm cuối của Guardiola ở Barca là một năm "lộn xộn". Lý do là Pep đã thử nghiệm quá nhiều, từ sơ đồ chiến thuật cho tới cách bố trí con người. Đó là bởi Pep đã nhìn thấy một thực tế là càng ngày càng có nhiều đội bóng có thể bắt bài, và khắc chế tiqui-taca của ông. Những thay đổi không dẫn tới kết quả như mong muốn. Pep ra đi trong thế cạn kiệt cả sức lực lẫn ý tưởng. Nhưng ít ra, ông còn muốn và dám thay đổi. Vilanova, người được cho là đứng sau tất cả những ý tưởng đổi mới của Pep, tệ thay lại không đi tiếp con đường đó như những gì người ta chờ đợi ở ông. Trước Bayern, Barca cũ kỹ và bất động về mọi mặt, như hình ảnh của chính Vilanova trên băng ghế huấn luyện.
4. Messi thiếu người chia lửa
Ở Nou Camp, Messi đã trải qua 90 phút khốn khổ khi phải ngồi ngoài nhìn các đồng đội anh bị hành hạ. Tuy nhiên, kể cả khi siêu sao người Argentina có mặt trên sân, tình hình cũng chưa chắc đã khá hơn, mà trận lượt đi ở Allianz Arena là một minh chứng. Đó là trận đấu mà Messi hoàn toàn vô hại dù không bị đối phương cắt riêng người theo sát. Và đó không phải là lần đầu tiên mùa này chuyện tương tự xảy ra. Vì sao? Một phần vì chính Messi cũng mệt mỏi sau những ngày dài cày ải liên tục dưới cái mác "người phi thường". Một phần vì đối phương biết quá rõ rằng ngoài anh ra, Barca không còn mũi tấn công nào đáng sợ nữa, và cần phải tập trung nhân lực cho những khu vực nào.
Messi dưới thời Tito Vilanova vươn tới biết bao cột mốc mới về bàn thắng, thậm chí còn lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu là ghi bàn trong 19 trận liên tiếp vào lưới 19 đối thủ khác nhau ở La Liga. Nhưng nếu nhìn lại, Pep Guardiola vẫn là người khai thác "El Pulga" hiệu quả nhất. Không phải vì ông là người đã kéo anh từ cánh vào giữa, rồi biến anh thành "số 9 rưỡi" hoàn hảo nhất thế giới. Mà bởi hệ thống ông xây dựng khiến khả năng của Messi được phát huy tốt nhất. Trong hệ thống ấy, những vệ tinh như Pedro, Villa khiến hàng thủ đối phương lúc nào cũng trong tình trạng như một tấm vải đã căng ra hết cỡ, để Messi, như một mũi kéo, có thể dễ dàng xé toạc tấm vải ấy chỉ bằng một cái lách mình.
Quan hệ Messi-Barca là một mối quan hệ qua lại quá rõ ràng. Nếu được hỗ trợ tốt nhất, Messi có thể mang tới sự phục vụ tốt nhất. Vậy nên Barca, nếu muốn trở lại đỉnh cao, cần phải có một hệ thống mới, hoặc những con người mới, có thể mang tới sự hỗ trợ tối đa ấy cho ngôi sao số 1 của mình.