HLV Leverkusen Robin Dutt - Ảnh Getty
Bất chấp có chuyện gì đang xảy ra với đội bóng của huấn luyện viên Pep Guardiola, một sự thật mà có lẽ không ai dám nghi ngờ: Barcelona vẫn xếp trên Leverkusen ít nhất một bậc, xét ở mọi góc độ. Đẳng cấp của đội bóng Tây Ban Nha là không phải bàn cãi, trong khi năng lực thực sự của Leverkusen, câu lạc bộ chưa một lần vô địch nước Đức chứ chưa nói gì đến Champions League, luôn bị nghi ngờ. “Đây rõ ràng là một cuộc chiến giữa chàng David tý hon và gã khổng lồ Goliath”, tiền vệ đội trưởng Simon Rolfes của Leverkusen nói đùa với cánh phóng viên vào hôm qua, một ngày trước khi đội bóng Đức tiếp Barcelona ở trận lượt đi vòng 1/8 tại Bay Arena.
Cuộc đối đầu giữa Leverkusen và Barcelona mang dáng dấp của cuộc chiến giữa hai đội tuyển quốc gia đang là kình địch trên bình diện châu Âu và thế giới, Đức và Tây Ban Nha. Những năm qua, Barcelona rõ ràng mang trong mình linh hồn của đội tuyển Tây Ban Nha với hàng loạt trụ cột đóng góp cho “La Furia Roja”. Leverkusen tuy không phải là linh hồn của đội tuyển Đức như Bayern nhưng cũng mang đến cho “Die Mannschaft” nhiều nhân tố trẻ, với những điển hình như Stefan Reinartz, Lars Bender, Stefan Kiessling, Andre Schuerrle và sắp tới có thể là Bernd Leno hay Daniel Schwaab.
Tuy nhiên cũng như Đức và Tây Ban Nha, lối chơi của Leverkusen và Barcelona có sự khác biệt đáng kể. Trong khi Barcelona lấy việc kiểm soát bóng làm trọng, chuyền ban liên tục để ru ngủ hàng phòng ngự đối phương, tìm ra kẽ hở rồi mới tung ra đòn đánh quyết định thì ngược lại, Leverkusen có chủ trương tấn công thật nhanh mỗi khi có bóng. Những cầu thủ chơi ở tuyến trên luôn ở trong tư thế sẵn sàng mở hết tốc độ để nhận bóng từ những đường chuyền dài có độ chính xác cao từ tuyến sau. Giống như ông Joachim Loew ở đội tuyển Đức, ông Robin Dutt luôn yêu cầu các học trò đưa bóng đến khung thành đối phương trong thời gian ngắn nhất có thể.
Khoan thủng hàng thủ của Barcelona là một nhiệm vụ không hề đơn giản, nhưng Leverkusen hoàn toàn có thể học theo tấm gương của Osasuna. Khi Eric Abidal đã trở lại đá hậu vệ cánh trái, Carles Puyol lùi vào đá cặp trung vệ với Gerard Pique thì đó cũng là lúc tử huyệt của Barcelona xuất hiện. Khả năng chọn vị trí, phối hợp cũng như bọc lót giữa Puyol và Pique rõ ràng có vấn đề, mà thực tế Osasuna đã khai thác thành công. Hoặc tấn công trực diện vào khoảng trống giữa cặp trung vệ, hoặc đưa bóng xuống biên và căng ngang, đó là những giải pháp mà Leverkusen có thể thực hiện. Đáng tiếc là Sidney Sam và Eren Derdiyok, hai cầu thủ rất phù hợp với chiến thuật này bên phía Leverkusen, lại vắng mặt vì chấn thương.
Barcelona như một ngọn đèo cao mà ngay cả Bayern hùng mạnh đã từng chinh phục thất bại vào năm 2009, cũng ở vòng 1/8 Champions League. Có thể các cầu thủ trẻ của ông Robin Dutt sẽ không tránh được vết xe đổ của đội bóng đồng hương, nhưng trong bóng đá có nhiều thứ còn quan trọng hơn tỷ số, đó là thái độ và cách thể hiện. Có được sự tự tin và lòng quyết tâm vượt qua Barcelona đã là một thành công với Leverkusen. Chẳng ai nỡ trách Leverkusen khi họ thất bại trước Barcelona, và các cầu thủ của ông Robin Dutt chắc chắn có quyền ngẩng cao đầu nếu chẳng may họ thua trận sau khi đã nỗ lực hết mình cho một chiến thắng, mà người ta đánh giá gần như là không tưởng.
Nếu thực hiện được mục tiêu mà ông Robin Dutt đề ra, “để trận lượt về vẫn còn ý nghĩa”, thì đó đã là thành công của Leverkusen.
1Đây là lần đầu tiên Leverkusen lọt vào vòng knock-out Champions League kể từ sau mùa 2001-2002 huy hoàng, năm họ vào tới trận chung kết và chỉ chịu thua Real Madrid bởi một phút xuất thần của Zinedine Zidane. 2Từ trước đến nay, Leverkusen đã chạm trán với Barcelona ở các cúp châu Âu tổng cộng 6 lần, thắng 2, hòa 1 và thua 3. Trận thắng đầu tiên diễn ra trên sân khách tại tứ kết cúp UEFA mùa 1987-1988 còn trận thứ hai diễn ra trên sân nhà BayArena tại vòng bảng Champions League mùa 2001-2002. 12Leverkusen đã có 12 lần gặp các đội bóng Tây Ban Nha, trong đó thắng 5, hòa 3 và thua 4. |
Thethaovanhoa.vn