
Chẳng có gì buồn hơn khi ở tháng cuối cùng của năm 2011, CĐV bóng đá phải đón nhận tin huyền thoại Socrates của Brazil qua đời. Nhiều người hẳn suy nghĩ rằng, nếu Socrates lập nghiệp ở thời nay, ông chắc chắn sẽ là một ngôi sao triệu phú tầm cỡ CR7 hay hơn thế nữa. Thời của Socrates, cầu thủ làm sao có thể kiếm nhiều tiền như ngày hôm nay.
Cũng trong năm 2011, hồi tháng 8 bóng đá quốc tế chứng kiến cuộc đình công của giới cầu thủ nhà nghề TBN khiến giải đấu khởi tranh chậm hơn dự kiến. Cuộc đình công ấy bắt nguồn từ tình trạng nợ lương của các CLB La Liga. Những ngôi sao hàng đầu như Casillas, Ramos, Xavi, Iniesta... cũng ủng hộ đồng nghiệp của mình. Song những cầu thủ này ủng hộ là trên tinh thần tương hỗ của một nghiệp đoàn. Còn bản thân họ, chưa bao giờ bị CLB chậm lương đến một tuần. Đơn giản, họ là những ngôi sao chơi cho những CLB giàu có. Và một tháng lương của họ có khi bằng cả năm lương của vô vàn đồng nghiệp khác.
Dường như bóng đá đã phân cấp quá mạnh giữa giàu và nghèo, đến mức những CLB một thời lừng lẫy như Ajax, Marseille, Steaua Bucharest... cũng chẳng còn dám mơ đến chức vô địch châu Âu nữa. Dễ hiểu, họ nghèo nên bị những kẻ nhà giàu có khả năng trả lương cao vòi vọi hút mất tài năng. Rồi thêm vào đó, 2011 cũng là năm của những cáo buộc về chuyện người Nga mua phiếu để được đăng cai World Cup 2018 và Qatar giành quyền tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm 2022 cũng chỉ vì họ quá giàu. Và những người yêu bóng đá không hẳn không nghi ngờ rằng, bóng đá không còn cái chất “chơi” nữa mà chỉ còn là một ngành công nghiệp, nơi cá lớn nuốt cá bé, bị chi phối rất nhiều bởi giá trị của nguồn lực tài chính.
2.Cũng cuối năm 2011, ở Paris, người ta tưng bừng đón Ancelotti, Becks và nhiều ngôi sao khác nữa (có thể thế lắm) khi kỳ chuyển nhượng mùa Đông bắt đầu. QSI, nhà đầu tư Qatar, đã làm thay đổi diện mạo PSG cũng như Ligue 1 với những khoản đầu tư vô tiền khoáng hậu. Người Pháp bắt đầu thấy PSG như một bản sao của Man City, Chelsea. Còn ở TBN, người ta cũng háo hức với Malaga, đội bóng cũng mới được tài phiệt cỡ bự đầu tư để chuẩn bị sang trang thành CLB lớn nhằm cạnh tranh với Barca hay Real trong tương lai.
Nhưng bên cạnh những người hào hứng, ta cũng gặp những ánh mắt, ý kiến nghi ngại rằng đồng tiền rồi sẽ làm hỏng hết bản sắc bóng đá, bản sắc CLB khi chỉ cần rót nhiều tiền là có thể “đè” những CLB xây dựng theo kiểu bền vững, giống như Man City đè bẹp Arsenal vậy. Và người ta tiếc thời mà mỗi CLB đều có số đông cầu thủ bản địa, thậm chí lớn lên từ lò đào tạo CLB để tạo nên phong cách riêng. Giờ đây, gần như chỉ còn Barca làm được điều đó và để giữ được giá trị truyền thống ấy, họ cũng phải vất vả chèo chống lắm.
Một lần nữa, lại dấy lên sự nghi ngờ về chuyện môn thể thao vua vốn dĩ lung linh, thần thoại và lãng mạn đã mất hẳn chất “chơi” để biến mình trở thành thứ công nghiệp khô cứng, thứ mà NHM không bao giờ mong muốn thấy.
3.Nhưng cuộc đời là thế, luôn chuyển mình. Mỗi chúng ta hãy tự hỏi rằng: “Đã bao lâu rồi mình không viết thư tay cho ai đó mà chỉ email, facebook, tin nhắn?” hay “Đã bao lâu rồi mình không tự động sang thăm nhà người bạn thân mà không cần điện thoại báo trước như ngày xưa?”. Thời đại đã thay đổi và bóng đá cũng chỉ là một bộ mặt của xã hội mà thôi, nên nó buộc phải thay đổi theo.
Tất cả điều đó đọng lại những gì? Đơn giản lắm. Với bóng đá, hãy giữ sự phê phán riêng của mỗi con người nhưng đừng chết bởi sự nghi ngờ. Và nếu đã nghi ngờ thì thôi, xin đừng xem bóng đá nữa...
XEM THÊM
Bongdaplus.vn