
Yuri Krasnozhan là một HLV không mấy thành tích và tiếng tăm của làng bóng đá Nga. Hợp đồng của ông với Anzhi được công bố hôm 27/12 và có thời hạn 5 năm. Ngay sau cuộc bổ nhiệm ấy, cố vấn của CLB, German Tkachenko tuyên bố: “Tôi đã có mấy phương án khác cho ghế HLV của Anzhi, nhưng quyết định cuối cùng của CLB lại khác hẳn”. Phát biểu ấy dễ hiểu, bởi Tkachenko là bạn rất thân với ông chủ của Anzhi là Kerimov và nó cũng thể hiện đúng thực trạng của Anzhi. Đúng là họ rất giàu có nhưng không có nghĩa sự giàu có đó có sức hấp dẫn đối với các ngôi sao lớn của làng bóng đá thế giới.
“Anzhi không chỉ là Eto’o và Carlos, mà chúng tôi là một tập thể với nhiều cầu thủ giỏi là người địa phương”, Krasnozhan đã phát biểu ngay sau khi nhậm chức. Điều đó càng khẳng định rõ hơn về sự thiếu hấp dẫn của Anzhi và sự thiếu hấp dẫn ấy có nguyên do từ cả khách quan lẫn chủ quan.
Về khách quan, giải VĐ Nga không đủ tầm vóc ở tính cạnh tranh cao cũng như sự thu hút đối với công chúng thế giới so với những giải hàng đầu ở châu Âu và vì thế, các CLB của nó cũng bị ảnh hưởng lớn về khả năng lôi kéo các ngôi sao thế giới. Ngay cả những CLB giàu truyền thống và cũng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Spartak Moscow, CSKA... cũng chưa có khả năng mang về những ngôi sao thế giới đương thời. Trong tình trạng khách quan như thế, điều kiện chủ quan lại càng khiến Anzhi trở nên hẻo lánh hơn trong mắt những ngôi sao lớn dù CLB ấy luôn khát khao có được họ bằng mọi giá.
Không có CLB nào kỳ lạ như Anzhi khi trụ sở chính ở Makhachkala, Daghestan, nhưng sân nhà thì lại ở... Moscow, cách xa họ tới 2.000 cây số. Chính vì thế, Anzhi là đội bóng gần như duy nhất thế giới khi mỗi mùa bóng phải bay đến 15 lần với quãng đường ấy chỉ để... tiếp khách. Điều kiện cơ sở vật chất ở Makhachkala chưa đủ để đáp ứng những trận đấu tầm vóc và hơn nữa với dân số chỉ gần nửa triệu, nơi ấy không phải địa điểm để hâm nóng bóng đá bằng những khán đài rực lửa. Và thêm vào đó, một lý do không thể không kể đến chính là vấn đề an ninh ở Daghestan không cao. Dù Daghestan hôm nay không còn là vùng đất của núi đồi và thảo nguyên, là “thiên đường của dũng sỹ” như Gamzatov đã viết trong cuốn “Daghestan của tôi” ngày nào. Nó chỉ còn là thiên đường của những ông già về hưu, nơi mà Anzhi đã biến mình thành một “già-latico” bằng những cái tên như Carlos, Eto’o...
Như vậy, xét cho cùng, tiền có thể là điều kiện cần để đi đến thành công nhưng không phải điều kiện đủ, nhất là đối với những CLB như Anzhi. Song, dù sao, với những cái tên một thời lừng lẫy, Anzhi cũng bắt đầu thành thương hiệu để tạo nên “tam giác dưỡng già” của bóng đá thế giới, tam giác “MLS-Qatar-Anzhi”...
Bongdaplus.vn