HLV Toshiya Miura: Xây đội hình bằng sơ đồ 4-5-1
LẤY CẢM HỨNG TỪ “ĐỊA CHẤN CHÂU Á”
Tại Asiad 17 diễn ra tại Hàn Quốc hồi năm ngoái, HLV Miura và Olympic Việt Nam đã tạo nên cơn địa chấn khi đánh bại Olympic Iran với tỷ số “không tưởng” 4-1 trong trận ra quân ở vòng bảng. Cho đến lúc này, đó vẫn là trận đấu thành công nhất của HLV Miura kể từ khi bắt đầu dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam! Đó cũng là thành công của lối chơi phòng ngự - phản công và sơ đồ 4-5-1 được đánh giá là phù hợp với các đội tuyển của chúng ta ở thời điểm hiện tại.
Olympic Việt Nam đang chuẩn bị đối đầu với thử thách lớn tại vòng loại U23 châu Á 2016 bởi theo lịch thi đấu, thầy trò HLV Miura sẽ phải gặp chủ nhà Malaysia và đối thủ có đẳng cấp vượt trội Nhật Bản ở 2 lượt đấu đầu tiên của bảng I (trận còn lại gặp Macau). Tình thế này khiến lối đá phòng ngự - phản công lại được xác định sẽ là vũ khí chính của Olympic Việt Nam và nhiều khả năng, sơ đồ có 5 tiền vệ như ở trận thắng Olympic Iran tại Asiad 17 cũng sẽ được sử dụng.
Đây là lựa chọn hợp lý đối với Olympic Việt Nam lúc này bởi khả năng tranh chấp, thu hồi bóng sẽ được cải thiện đáng kể khi tuyến giữa được bố trí thêm quân số. Điều này cũng giúp Olympic Việt Nam thiết lập được hệ thống phòng ngự từ xa, giảm bớt áp lực cho hàng hậu vệ, đặc biệt là khi phải đối mặt với đối thủ có khả năng tấn công tốt như Nhật Bản.
CÔNG PHƯỢNG SẼ LÀ “TIỀN VỆ THỨ 5”?
Thực tế, khác biệt giữa sơ đồ 4-4-2 và sơ đồ 4-5-1 chỉ là việc 1 trong 2 tiền đạo được kéo xuống hỗ trợ thường xuyên hơn cho hàng tiền vệ. Trong 1 trận đấu cụ thể, 2 sơ đồ này sẽ luân phiên được sử dụng tùy theo tình hình thực tế trên sân. Muốn lối đá phòng ngự - phản công phát huy được tối đa hiệu quả và quá trình xoay chuyển giữa 2 sơ đồ kể trên diễn ra mạch lạc thì vai trò của tiền đạo lùi là rất quan trọng.
Trong những buổi tập gần đây, HLV Miura đã tiến hành thử nghiệm các chân sút của Olympic Việt Nam để tìm ra gương mặt đủ khả năng đảm trách vai trò tiền đạo lùi. Đáng chú ý, Công Phượng – tiền đạo vốn ít phải làm nhiệm vụ phòng ngự trong màu áo HA.GL tại V-League cũng đang được rèn thêm các kỹ năng tranh chấp, hỗ trợ hàng thủ. Với khả năng tấn công đậm chất kỹ thuật sẵn có, Công Phượng sẽ là quân bài lợi hại trong đội hình Olympic Việt Nam khi lối chơi của anh được bổ sung yếu tố sức mạnh và khả năng tranh chấp.
Ngoài Công Phượng, các ứng cử viên sáng giá khác cho vị trí tiền đạo lùi có thể kể đến là chân sút Lê Thanh Bình (Thanh Hóa) hay Hồ Tuấn Tài (SLNA). Cả hai chân sút này đều không lạ lẫm với vị trí tiền đạo lùi do ở cấp CLB, họ thường xuyên ra sân với nhiệm vụ kép là hỗ trợ phòng ngự và làm trợ thủ cho tiền đạo cắm vốn thường do các ngoại binh đảm nhận.
Công Phượng từng là… tiền vệ
Theo HLV Guillaume Graechen thì cách đây vài năm, Công Phượng vốn chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm trước khi được kéo lên chơi tiền đạo. Trong một số trận đấu tại V-League 2015, HA.GL cũng từng bố trí Công Phượng thi đấu ở vị trí tiền vệ. Vì thế, anh sẽ không mất nhiều thời gian để thích nghi với những yêu cầu chiến thuật của HLV Miura tại Olympic Việt Nam.