ĐT Olympic Việt Nam: Nếu đội trưởng là Quế Ngọc Hải...
TẠI SAO LÀ QUẾ NGỌC HẢI?
Xin nhắc lại, Quế Ngọc Hải chỉ đang là đội trưởng tạm thời của ĐT Olympic Việt Nam. Khi đưa ra quyết định này, hẳn HLV Toshiya Miura cảm thấy là đã đến lúc đội bóng của ông (đa phần là người trẻ) cần một cầu thủ có kinh nghiệm đứng ra làm cầu nối giữa BHL với các cầu thủ.
Nhưng không phải vô cớ, ông Miura lại chọn trung vệ của SLNA. Thực tế, Quế Ngọc Hải cùng với Nguyễn Thanh Hiền, Võ Huy Toàn từng chơi tại AFF Suzuki Cup 2014. Họ cũng từng cùng với Phạm Hoàng Lâm tham dự Asiad 17 tại Hàn Quốc. Và nếu tính quãng thời gian trước đó, Ngọc Hải từng là thủ lĩnh của các đội trẻ SLNA, hay U19 Việt Nam năm 2012…
Ngoài nhóm “cựu binh” nói trên, Quế Ngọc Hải còn có một “đối thủ” nặng ký ở vai trò thủ lĩnh, đó là người đồng đội Phạm Mạnh Hùng ở SLNA. Tuy nhiên, năm 2014 vừa qua, Mạnh Hùng đã mất rất nhiều điểm trong mắt HLV Miura. Và cũng phải kể đến Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh và Lương Xuân Trường, những người từng đeo băng đội trưởng của U19 Việt Nam và HA.GL, nhưng nếu xét trên tiêu chí tuổi tác và kinh nghiệm, thì những “sao mai” của phố Núi chưa thể so bì với đàn anh sinh năm 1993 này.
ĐI TÌM TRÁI TIM HÀNG PHÒNG NGỰ
Tại AFF Suzuki Cup 2014, Quế Ngọc Hải đã chơi cả 5 trận đấu của ĐT Việt Nam (số phút ra sân là 447/450) và có 1 bàn thắng. Những con số nói trên đã giúp anh lọt vào danh sách hậu vệ xuất sắc nhất của giải đấu. Điều đáng nói ở đây, Quế Ngọc Hải làm nhiệm vụ của một hậu vệ leo biên tạt cánh, thay vì vị trí sở trường là trung vệ.
Thực ra, ông Miura đã thấy được những tố chất thủ lĩnh của Ngọc Hải trong những lần “xoay tua” trung vệ ở ĐTQG, nhưng cuối cùng nhà cầm quân này đã đẩy anh ra biên nhằm tăng chất thép và khả năng không chiến cho hàng phòng ngự. Ông Miura không sai vì cậu học trò đã chơi hay hơn cả sự mong đợi, nhưng bây giờ Ngọc Hải cần được (phải) trả về vị trí sở trường bởi ở trung tâm hàng phòng ngự, HLV người Nhật Bản cần một thủ lĩnh về cả chuyên môn lẫn tinh thần. “Cậu ấy là một cầu thủ đầy triển vọng và đã chứng tỏ được khả năng, vì vậy ở vị trí nào, tôi tin Hải cũng sẽ chơi tốt”, ông Miura từng nhận xét về Quế Ngọc Hải như vậy.
Rõ ràng, Ngọc Hải là ứng cử viên số một và có thể là trái tim của hàng thủ. Nhưng để được thủ vai chính, trung vệ này cần phải hoàn thiện rất nhiều thứ. Ngoài khả năng úy lạo tinh thần, anh cũng cần tìm được tiếng nói chung với người đá cặp và các vệ tinh xung quanh. Đấy là những Phạm Hoàng Lâm, Bùi Tiến Dũng, cũng có thể là Lê Đức Lương hoặc “người quen” Phạm Mạnh Hùng…
Đương nhiên, Quế Ngọc Hải hẳn cũng đã hiểu rằng, trong triết lý của HLV Miura, đội trưởng không phải là số một, tức là nếu không đáp ứng được chuyên môn, hay cần có sự thay đổi chiến thuật, việc hy sinh cả thủ lĩnh cũng là điều hết sức bình thường. Nếu nhìn từ câu chuyện Lê Tấn Tài ở AFF Suzuki Cup 2014, người từng mang băng thủ quân nhưng phải ngồi dự bị gần như suốt cả giải, hẳn Ngọc Hải sẽ có những động lực để phấn đấu.
Cạnh tranh khốc liệt
ĐT Olympic Việt Nam đang sở hữu nhiều trung vệ có sở trường và sở đoản khác nhau. Nếu Quế Ngọc Hải được chọn làm đội trưởng, rất có thể anh là người chắc suất nhất. Như vậy, ông Miura phải chọn người đá cặp với Hải và đó phải là người phù hợp cách bố trí: một trung vệ dập và một người băng cắt mà nhà cầm quân người Nhật Bản rất thích sử dụng.