Bình Luận: Thương hiệu “Tuyển”
Mới đây, khi MP&Silva nắm quyền phân phối bản quyền truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam, dư luận đã bàn tán rất nhiều. Người thì bảo, công ty nước ngoài thật là tinh tường khi đoán trước được cơn sốt mang tên “Olympic Việt Nam” để thực hiện một thương vụ ngoạn mục. Nói thế có vẻ hơi thừa, bởi với tư cách là một đơn vị kinh doanh thì cứ chỗ nào có lợi nhuận, chỗ đó có MP&Silva. Thậm chí, họ có những chuyên gia có thể dự báo chính xác về thị hiếu của khán giả Việt Nam.
Nhưng, có một điều cần phải suy ngẫm là bao lâu nay, mỗi lần đội tuyển đi thi đấu nước ngoài, nhất là vòng loại của sân chơi trẻ, thì thật hiếm khi NHM được xem trực tiếp. Vậy mà lúc MP&Silva thực hiện thương vụ ngoạn mục thì dư luận đã nghĩ ngay đến viễn cảnh “NHM Việt Nam có nguy cơ không được xem Olympic Việt Nam thi đấu”. Ô, hóa ra cái điều bình thường đang trở thành bất bình thường khi mà dư luận đang thực sự ái mộ dàn sao trẻ của ông Miura!
Hôm qua, một bình luận viên trẻ đầy triển vọng tâm sự với tôi: “Bóng đá quốc tế đúng là đỉnh cao, nhưng chỉ có ĐT Việt Nam và những gì thuộc về dân tộc mới khiến mỗi người chúng ta có thể sướng phát điên, hay rơi xuống tận cùng đau khổ”.
Vậy mới nói, bóng đá Việt Nam luôn có chỗ đứng trong trái tim mỗi người. Và thật vui khi thương hiệu của đội tuyển ngày càng có giá. Cái sự có giá ấy đến từ những cá nhân xuất sắc, từ niềm tin mà cả nền bóng đá đang gửi gắm vào tương lai. Cũng hy vọng, sự khắc nghiệt ở cấp độ đội tuyển sẽ giúp những ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam vượt qua giới hạn bản thân. Và khi ấy, không chỉ thương hiệu của đội tuyển, của nền bóng đá, của các các CLB mà chính mỗi cầu thủ cũng được hưởng lợi!