Thất bại có tính hệ thống
Trước thềm Đại hội thường niên, chúng tôi đã có loạt bài viết về thực trạng nền bóng đá ta (cả cấp ĐTQG) lẫn các giải đỉnh cao trong nước, và thể hiện quan điểm rõ ràng: bóng đá chúng ta đang giẫm chân tại chỗ. Sau 20 năm hội nhập, (tính từ SEA Games 16 năm1991) đến nay, chỉ một lần ĐTQG vô địch tại AFF Suzuki Cup 2008. Đấu trường SEA Games thì đã kéo dài cơn khát vàng đến 52 năm. Thất bại liên tục tiếp diễn, và SEA Games 26 vừa qua đã cảnh báo sự xuống dốc đã quá trầm trọng. Lối chơi vô hình vô ảnh. Bản sắc nhợt nhạt, bản lĩnh kém cỏi.
Ở bình diện các giải trong nước, bóng đá không mang lại niềm vui cho khán giả, mà chỉ lợi ích nhóm. Cụ thể, những người tham gia hoạt động bóng đá ngày càng giàu ra. Chất lượng chuyên môn không đáp ứng yêu cầu. Tiêu cực hoành hành. Kết quả tất yếu là khán giả trên khán đài năm sau giảm hơn các năm trước. Hàng loạt biểu tượng gãy đổ, bị chôn vùi vào dĩ vãng trong tiếc thương của những fan chung thủy.
Chẳng ai muốn thất bại, bởi trong cuộc sống dù có cố gắng triệt để thì ai cũng phải trải qua thất bại, không thời điểm này thì lúc khác. Có điều, nhìn xuyên suốt 2 thập kỷ hội nhập, rõ ràng sự thất bại của bóng đá nước nhà đã mang tính hệ thống, quá nghiêm trọng.
Tiếp nhận thất bại kiểu VFF
Chúng ta đã quá rõ về cái gọi là sự cầu thị của VFF trong việc tiếp nhận và tháo gỡ thất bại của U23 với người hâm mộ, với cơ quan quản lý Nhà nước. Hay nói cách khác, ngoài thể hiện rõ nhất thiếu chuyên môn (đúng như lời nhận xét của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực: trình độ VFF thấp hơn mặt bằng xã hội) mà còn bộc lộ thiếu cái tâm với bóng đá nước nhà. Rõ nhất là không chịu tổ chức Đại hội bất thường. Không chịu lập ra một mô hình tổ chức, điều hành giải tích cực để rồi các đội không chịu nổi phải “nổi loạn”. Việc lập ra VPF thì vấp phải bao sự kháng cực, níu kéo. Tổ chức Đại hội thường niên ngay khi cả nước đang hướng về chiến trận SEA Games của U23. Bộ máy lãnh đạo VFF bây giờ chỉ toàn là dân ngoài bóng đá.
Chúng ta cũng không khó cảm nhận: VFF chỉ cần U23 VN vô địch mà thôi. Khi ấy, mọi lời chỉ trích với VFF sẽ trở nên vô nghĩa và chiếc ghế của các vị lãnh đạo tổ chức này càng thêm vững vàng.
Trớ trêu (với VFF), U23 VN đã tan vỡ giấc mơ vàng. Thất bại đó không phải tự nhiên đến, mà chỉ là sự tiếp nối những thất bại có tính hệ thống trước đó mà thôi.
Người biết học cách thất bại là người biết cách nhẫn nhịn tốt nhất. Chỉ khi biết nhẫn nhịn mới bình tĩnh nhìn ra cốt lõi vấn đề là lý do thất bại, từ đó rút ra bài học cho bản thân. Với thái độ né tránh trách nhiệm chứ không phải nhẫn, không thiện chí rút ra bài học sau quá nhiều lần thất bại, VFF đã không nhận được chia sẻ từ phía dư luận sau cú ngã của U23 VN vừa qua.
Ngược lại, chưa bao giờ niềm tin về tổ chức này xuống thấp như hiện nay. Nếu VFF thân là cơ quan quản lý các hoạt động bóng đá của một nền bóng đá, nhưng không ai (kể cả nhiều bộ phận tham gia hoạt động bóng đá) còn tin vào trình độ, cái tâm của những người điều hành tổ chức này, thì quả thật là nguy hiểm.
Bóng đá ta cũng như “Tây”, dù có phát triển kiểu nào, thì mục đích cao nhất cũng là phục vụ nhân dân. VFF không thể biến nền bóng đá thành tài sản của riêng mình, nắm số phận nền bóng đá trong tay mình để rồi thất bại triền miên vẫn không thay đổi.
Trong thất bại, cũng may là vẫn còn cái giá: đấy là chân tướng của VFF được phơi bày rõ hơn lúc nào hết. Tiếc rằng, tất cả bất bình của xã hội lẫn giới truyền thông với tổ chức này, đều rơi vào thinh không.
Nếu nói thất bại là mẹ thành công thì với bóng đá ta, thất bại là mẹ của… thất bại!
NGỌC HÒA
Thethaovanhoa.vn