Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng…
Sau 2 lần giáp mặt tại các trận chung kết SEA Games 2003 và 2005, và dù đều để thua, nhưng chúng ta cũng bấm bụng rằng khoảng cách giữa bóng đá Thái và VN cũng chỉ là một chín, một mười. Cho đến khi thầy trò HLV Calisto hạ bệ người Thái ở chung kết AFF Suzuki Cup 2008 qua 2 trận lượt đi và về, người VN đã vội vỗ ngực, rằng bóng đá Thái giờ chỉ là đối thủ, chứ không còn là anh cả nữa.

Dù hành trình đến chức vô địch của ĐTVN ở lần đó có sự giúp sức của rất nhiều may mắn, nhưng nhất định các trận chung kết với Thái Lan thì không. Tất cả đều quả quyết thế! Và cũng bởi con đường đến với vinh quang của ĐTVN đã bước qua những Malaysia, Singapore và sau cùng là Thái Lan, những ông kẹ của làng bóng đá khu vực, nên chúng ta có quyền tự phụ. Singapore hay Malaysia đã là quá khứ rồi.
Khoảng 3 năm đổ lại đây, sau khi bóng đá VN đã lần lượt gục ngã trước Malasia ở chung kết SEA Games 25 và bán kết AFF Suzuki Cup 2010 (cả 2 giải đấu mà các ĐTQG Malaysia đều đăng quang), cùng với lần bảo vệ thành công chiếc HCV môn bóng đá nam SEA Games 26 mới đây của ĐT U23 nước này, tất cả đã phải giật mình. Phải lật mở lại xem bóng đá Malaysia đã làm như thế nào để bá chủ khu vực mà học. Chua chát thật!
… Còn phải học nhiều
Malaysia sau cơn bão tiêu cực ở giải đấu của họ cách đây không lâu, mới quyết định xóa đi làm lại theo cách đó, để rồi có được những thành công bước đầu. Cần xác định rõ thế này, mô hình “bế quan tỏa cảng” (nói không với ngoại binh ở giải VĐQG) của Mã chưa hẳn đã là tối ưu. Bằng chứng là kể từ mùa bóng 2012, giải VĐQG Malaysia sẽ mở cửa trở lại với ngoại binh. Động thái đó nói lên điều gì không?
Đất lành chim đậu, đấy là quy luật bất biến rồi và đến ngay cả các “lò” nổi tiếng, với nền bóng đá phát triển như Brazil, Tây Ban Nha hay Argentina cũng còn phải nhập khẩu cầu thủ, chứ đừng nói đến Malaysia. Bản thân các HLV và cầu thủ VN cũng thừa nhận, họ đã học hỏi được rất nhiều từ đồng nghiệp người nước ngoài. Việc thường xuyên đối đầu với “Tây” cũng giúp cầu thủ chúng ta trui rèn bản lĩnh.
Sự thật là quá trình phát triển của giải VĐQG không thể tách rời vai trò của các ngoại binh. Thử hỏi, giải VĐQG cho đến trước khi làn sóng ngoại binh ồ ạt từ cách đây 10 năm ở đâu trên bản đồ thế giới?! V-League bây giờ thậm chí còn có 2 đại diện trong top 400 CLB mạnh nhất thế giới cơ đấy (SLNA và HN.T&T)! Thế nên, nếu phủ nhận những đóng góp của ngoại binh cho việc nâng tầm các giải đấu cao nhất VN là không công bằng.
Vạch ra lộ trình và vào thời điểm nào cần phải giảm thiểu số lượng cầu thủ nước ngoài mới thực quan trọng. Tiếc rằng những người chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền bóng đá VN lại luôn bị động và chưa lúc nào đưa ra được giải pháp tổng thể khiến tất cả đồng thuận.
Theo đánh giá khách quan, dù Malaysia là quyền lực đương thời, nhưng Thái Lan đã và vẫn sẽ là anh cả trong khu vực, bất kể U23 Thái Lan, cũng như ĐTQG nước này đã không còn đứng trên bục cao nhất kể từ sau lần cuối cùng năm 2007 (SEA Games 24). Thực tế SEA Games đã không còn là thước đo chuẩn mực cho bóng đá trẻ Thái Lan nữa, người Thái chọn cho mình hướng đi riêng, với đích ngắm xa hơn là top 10 châu lục và đặt chỉ tiêu dự VCK World Cup. Thế còn VN?! |
TÙY PHONG
Thethaovanhoa.vn