Khó ở như nắm CLB
Sau 2 lượt trận của V-League 2008, HLV Phan Thanh Hùng lập tức mất ghế, dù ông Hùng là trợ lý số một của 2 đời HLV ngoại gần nhất ở ĐTVN. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là SHB.ĐN ở năm đầu chuyển giao ấy có thành tích không được như mong đợi tại vạch xuất phát. Một năm sau đó, tại giải hạng Nhất QG năm 2009, trợ lý số 2 của ông Goetz là Nguyễn Văn Sỹ cũng mất chức HLV trưởng V.NB, dù đã có công đưa đội bóng này lần đầu tiên trong lịch sử lên chơi V-League.
Đấy là chân dung 2 trong số những trợ lý cho HLV Goetz ở cấp độ ĐT U23 VN. Ở bình diện ĐTQG VN, ông Mai Đức Chung (trợ lý số một) cũng không ít lần phải cay đắng rời nhiệm sở, từ B.BD đến N.SG; trợ lý số 2 Hoàng Gia cũng “biến mất” sau khi đưa HP.HN thăng hạng cuối mùa giải hạng Nhất QG năm 2004, cho đến khi bất ngờ được cất nhắc lên ĐT. Những trợ lý còn lại như HLV Nguyễn Đức Cảnh không tính đến vì QK7 dưới thời ông đã phải giải thể.
Có hằng hà sa số những điển tích như thế và gần đây nhất, HLV lão làng như Lê Thụy Hải cũng đã bị bẻ ghế ở chính cái nơi ông từng thăng hoa, B.BD. Cùng chung cảnh ngộ với ông Hải “lơ” là các trường hợp của Edson Tavares, cựu HLV trưởng ĐTVN tại V.NB; Marcelo Zuleta tại ĐT.LA... Thậm chí dù có bản thành tích đầy mình như nguyên HLV trưởng các ĐTQG, Alfred Riedl, vẫn bị V.Hải Phòng “hỏa thiêu” vì sự khởi đầu tệ hại ở V-League 2009…
Không có cơ hội sửa sai, vì bóng đá đơn thuần là thành tích. Nhưng cũng có không ít người không cả có cơ hội để… phát biểu luôn (trường hợp của ông Tavares hay Zuleta), khi lãnh đạo cảm nhận được mầm mống của sự bất ổn ngay trong cữ chạy đà. Bất kể là hàng nội hay hàng ngoại nhập, cuộc sống ở cabin BHL cấp CLB quả khắc nghiệt.
Và an toàn như ngồi ghế HLV trưởng các ĐTQG
HLV Goetz vẫn tại vị, dù những lập luận của ông thầy người Đức sau thất bại toàn tập của ĐT U23 VN tại SEA Games 26 là rất thiếu thuyết phục. VFF, Hội đồng HLV QG, các chuyên gia và các đồng nghiệp người bản địa làm gì không hiểu chuyện?! Và nữa có cả triệu con mắt khán giả (và báo chí) đã dõi theo cái sân khấu 4 mặt mang tên Indonesia năm 2011, nơi mà U23 VN chỉ có một kỳ SEA Games đáng buồn bậc nhất trong lịch sử, đâu dễ đánh lừa?!
Tính từ thời điểm ký hợp đồng với VFF cho đến lúc này, kinh qua rất nhiều các trận đấu-giải đấu khác nhau, chính thức có mà tập huấn-giao hữu cũng có, vị chi là HLV Goetz đã có hơn 6 tháng tại vị. Nó sẽ còn có thể kéo dài nếu ông và “các ông chủ” VFF đảm bảo sẽ hợp tác với nhau đến hết thời hạn hợp đồng (sau AFF Suzuki Cup 2012). Trong số rất nhiều những HLV tiền nhiệm, có lẽ chỉ duy nhất HLV Henrique Calisto mới có thể sánh kịp với ông Goetz về tuổi thọ trong cabin BHL các ĐTQG.
Kết thúc AFF Suzuki Cup 2010, dù ĐTVN cũng đã thất bại trên con đường bảo vệ vương miện, nhưng không ai đẩy được Calisto rời nhiệm sở, cho đến khi ông muốn “thay đổi môi trường”. Lý là bởi ông Calisto đã từng là công thần, thậm chí được một bộ phận xem như “thánh sống”, là bất khả xâm phạm… Nhưng ông Goetz thì có gì để đảm bảo tại vị, ngoài tuyên bố nhận trách nhiệm chung chung và những lời hứa?! Mà ông Goetz lại chủ yếu đổ tại nguyên nhân thất bại cho hoàn cảnh khách quan.
HLV Goetz đã chứng minh cho tất cả thấy, nơi đầu sóng ngọn gió như HLV trưởng các ĐTQG lại là chỗ an toàn nhất. Còn tương lai thế nào là chuyện… để mai tính.
TÙY PHONG
Thethaovanhoa.vn