
Sau lần ra mắt khá ấn tượng trên sân Bình Dương vào năm 2008, chàng sinh viên Đào Nguyên Đức đã rất được các phóng viên thể thao chú ý khi chơi môn thể thao lạ lẫm ấy. Và khi, Đức cũng được những nhà tổ chức các sự kiện thể thao mời đến biểu diễn, dù như kiểu “bia kèm lạc”, thì bóng đá nghệ thuật cũng đã được chú ý nhiều hơn.
Khi ra mắt ở Bình Dương, Đức đã “chơi” bóng đá nghệ thuật được 2 năm (từ năm 2006). “Tôi biết đến bóng đá nghệ thuật qua các trang web cùng các clip trên internet, từ đó cảm thấy thích thú và bắt đầu nghiên cứu tập luyện môn này. Lúc ấy ở Việt Nam hầu như chẳng có người nào tập nên việc trao đổi kinh nghiệm càng khó, đành cứ tập và tự rút kinh nghiệm dần. Sau đó rồi cũng ổn…”, Đức kể.
Lần đầu tiên gặp Đào Nguyên Đức, tôi đã ấn tượng với cái tên của chàng sinh viên này, vì khá giống ông bầu Đoàn Nguyên Đức của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai Hiện giờ Đào Nguyên Đức (sinh năm 1987) được xem là một trong những cao thủ của làng bóng đá nghệ thuật ở Việt Nam, từng đoạt giải Nhì toàn quốc năm 2009.

Người được tất cả công nhận là cao thủ bậc nhất Việt Nam của bộ môn này là Nguyễn Hoài Nam (tức Nam “the man”), và đây được xem là người khởi thủy cho việc quảng bá bóng đá nghệ thuật ở nước ta. Hoài Nam sinh năm 1980 và định cư ở Iceland cùng gia đình, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin của ĐH Dublin (Ireland). Nam “the man” nổi tiếng trong làng bóng đá nghệ thuật thế giới khi giành HCĐ tại giải vô địch Freestyle football thế giới được tổ chức tại Hà Lan năm 2006, sau Mr Woo (Hàn Quốc) và Mike Delaney (Anh). Đây là giải đấu mà huyền thoại bóng đá Johan Cruyff là thành viên ban giám khảo.
Nguyễn Hoài Nam cũng là người lập ra trang web chuyên về bộ môn bóng đá nghệ thuật để những bạn trẻ ở Việt Nam có thể tham khảo và trao đổi kinh nghiệm, cũng như hướng dẫn kỹ thuật tập luyện cho các nhóm chơi môn này.
Biết nói sao cho hiểu
Cho đến nay, ở Việt Nam bóng đá nghệ thuật vẫn chưa phát triển lắm. Thế mới có chuyện các thành viên của nhóm BSS (viết tắt của Back Street Soccer) mang bóng vào tập ở các công viên là bị bảo vệ đuổi như đuổi tà, vì qui định “cấm đá bóng trong công viên”. Nguyễn Ngọc Hoàng – trưởng nhóm BSS cho biết: “Bảo vệ ở các công viên cứ thấy bọn em lấy bóng ra tâng tâng là y như rằng họ tuýt còi đuổi thẳng, dù có giải thích là bọn em chơi bóng đá nghệ thuật chứ không hề đá bóng, nhưng các bác ấy cũng chẳng chấp nhận”.
Mất mấy tháng trời rong ruổi tìm chỗ tập, cuối cùng nhóm cũng đã được chấp nhận cho tập luyện ở công viên Hoàng Văn Thụ khi những người có trách nhiệm hiểu ra chơi bóng nghệ thuật chẳng phải là… đá banh trong công viên, nhưng chỉ cho tập ké ở khu vực sân cầu lông, dù vậy đấy cũng là “thiên đường” với các thành viên của nhóm bóng đá nghệ thuật duy nhất ở TPHCM hiện nay.

Nói là duy nhất bởi ở Sài Gòn dù cũng có nhiều người chơi bóng đá nghệ thuật, nhưng để ráp lại thành nhóm thì chỉ có BSS với khoảng 8 thành viên chính thức, dù mỗi buỗi tập luyện có khi lên đến gần 20 người “ăn theo” tập cho vui. Được biết, BSS thành lập từ tháng 9/2010 và do Nguyễn Ngọc Hoàng (sinh viên năm 3 khoa Tài chính ngân hàng của ĐH Ngân hàng) làm trưởng nhóm, và các thành viên biết nhau và ráp lại thành nhóm cũng từ trang web bongdanghethuat do Nam “the man” thiết lập. Hiện nay BSS gia nhập cùng Hội Nghệ thuật đường phố bao gồm các bộ môn patin, hip-hop, biểu diễn cầu thủy tinh… và cứ khoảng 15 giờ mỗi ngày là tất cả họp nhau tập luyện tại công viên Hoàng Văn Thụ trong tiếng nhạc sôi động của chiếc loa dã chiến mà tất cả đã góp tiền để mua nhằm giúp cho việc tập luyện thêm sôi động và hứng khởi.
BSS là nhóm bóng đá nghệ thuật duy nhất ở Sài Gòn cũng như các tỉnh phía Nam, nhưng nhóm ATW (Around The World) ở Hà Nội mới là nhóm bóng đá nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Nhóm do Hoàng Nam Trường thành lập vào ngày 7/10/2007. Hiện nhóm có 11 thành viên và mỗi người đều đã có thâm niên khoảng từ 3-5 năm. Họ tập luyện đều đặn vào các buổi chiều ở Công viên Lê Nin (đường Điện Biên Phủ, Hà Nội). Cũng vì thường tập luyện ở ngoài trời, nên các cầu thủ của bộ môn này sợ nhất trời mưa.
Bóng đá đã là một môn chơi đầy tính nghệ thuật, và chất nghệ thuật càng được nâng tầm cao hơn khi được một số bạn trẻ thổi hồn vào trái bóng khiến nó trở nên sống động và đầy sức sống, dù đó vẫn là một bộ môn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Không biết đá bóng vẫn có thể chơi bóng đá nghệ thuật Môn bóng đá nghệ thuật không yêu cầu những người chơi nó phải biết đá bóng. Chỉ cần khéo léo và kiên trì để điều khiển quả bóng theo ý muốn là hoàn toàn có thể trở thành một cao thủ của môn này. Do bóng đá nghệ thuật nặng về biểu diễn nên người ta vẫn chưa biết nên gọi những người chơi bộ này là cầu thủ hay nghệ sĩ cho đúng. Ngoài ra cần lưu ý, quả bóng dù vẫn là của môn bóng đá bình thường, nhưng nó chỉ được bơm căng vừa phải, vì nếu quá căng sẽ rất khó để điều khiển. |
Bongdaplus.vn