Vì sao tài năng trẻ không thành ngôi sao lớn?
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 23/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
NHỮNG NGÔI SAO XẸT
Nếu các tài năng trẻ phát triển hết ngưỡng cũng không thành sao thì xin đừng tiếc nuối cho họ. Jermaine Pennant đá cho đội một Arsenal từ năm 16 tuổi và suốt thời gian dài nằm trong nhóm những tài năng triển vọng nhất của Anh. Nhưng ngay cả khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cái tên Pennant vẫn chưa thể bật lên. Có thể kể thêm những trường hợp tương tự như Jack Rodwell hay Freddy Adu. Bóng đá ở đẳng cấp cao nhất tự động nó đã sàng lọc những người chưa đủ tài và tầm.
Nhưng ngay cả những cầu thủ sở hữu tài năng thiên bẩm cũng chưa chắc thành ngôi sao. Cá tính thất thường, cuộc sống phóng túng và bệnh ngôi sao có thể tiêu diệt sự nghiệp của họ. Không ai nghi ngờ Adriano có gen thiên tài trong người. Ở phong độ cao nhất tiền đạo người Brazil là chân sút đáng mơ ước với mọi đội bóng. Song sự nghiệp của Adriano đã vụt tắt quá sớm ở tuổi 24 vì sa đà vào cuộc sống ăn chơi.
Ben Arfa lại là một trường hợp khác. Phát lộ từ rất sớm và được đánh giá cao hơn nhiều cậu bạn thân Benzema nhưng tới lúc này Ben Arfa đang vật vờ ở Newcastle, còn Benzema đã vươn lên hàng ngôi sao tầm cỡ thế giới. Xét về tài năng bẩm sinh, Ben Arfa hơn hẳn Benzema (như nhận xét ở Lyon trước kia của HLV Paul Le Guen). Nhưng căn bệnh ngôi sao nhiễm quá sớm vào Ben Arfa từ lối chơi ích kỷ, trễ nải trên sân tập cho tới thói ứng xử khệnh khạng. Vì thế nên cầu chạy cánh 27 tuổi mãi không chịu lớn và khó thích nghi với mọi môi trường từ Lyon, Marseille cho tới Newcastle. Cầu thủ muốn thành công cái tài là chưa đủ mà cần cả đạo đức tốt, ý chí phấn đấu và sự cầu tiến. Yann M’Vila đã chôn vùi sự nghiệp xán lạn phía trước bằng những trò quậy phá tại EURO 2012 để rồi dính án phạt nặng từ LĐBĐ Pháp.
NHỮNG NỀN BÓNG ĐÁ LẠC LỐI
Có thể nói, những cầu thủ trẻ không phát triển lên được nữa trước hết là bởi chính họ. Bóng đá ngày càng khắc nghiệt và chỉ những cá nhân xuất chúng mới vươn lên hàng ngũ tinh hoa. Nhưng rõ ràng câu chuyện tài năng trẻ không chỉ gói gọn trong mỗi cá nhân mà còn là vấn đề của cả nền bóng đá. Giải U21 châu Âu 2009 chứng kiến Anh và Đức lọt vào chung kết. Sau 5 năm, những cầu thủ trẻ Đức khi đó bây giờ đã là những nhà VĐTG như Neuer, Hoewedes, Boateng, Hummels, Khedira, Oezil. Người Anh thì ngược lại với những cái tên chẳng đe dọa được ai như Onuoha, Noble, Walcott, Adam Johnson, Milner, Gibbs, M.Richards.
Một tập thể U21 vươn mình thành người khổng lồ và một tập thể U21 khác vẫn không lớn lên bao nhiêu. Đó chắc chắn là sự khác biệt trong cách làm bóng đá trẻ giữa Anh và Đức. Premier League chuộng cầu thủ ngoại còn Bundesliga luôn dành chỗ cho các tài năng bản địa. Hệ quả là cầu thủ trẻ Anh dù tài năng vẫn bị thui chột trên ghế dự bị.
Một ngôi sao được tạo ra không chỉ nhờ tài năng thiên bẩm mà còn cả môi trường thuận lợi của nền bóng đá. Quốc gia nào tạo ra nhiều ngôi sao đồng nghĩa các tài năng trẻ có cơ hội tốt để phát triển.
“Các cầu thủ trẻ thời nay gặt hái mọi thứ quá dễ dàng. Họ không còn cảm thấy sự khó khăn trong cuộc sống. Động lực phấn đấu vì thế cũng không cao. Tôi không nói các cầu thủ trẻ kém tài nhưng họ đang bị làm cho hư hỏng quá nhanh”, - Paul Scholes