Chức vô địch lịch sử
Năm 1492, Christopher Columbus cùng với đoàn thủy thủ 90 người trên chiếc tàu biển đã từ Tây Ban Nha đi về phía Tây, ra Đại Tây Dương mênh mông và đến một vùng đất xa lạ. Vùng đất này sau đó được biết đến với cái tên America (châu Mỹ) và cũng kể từ thời điểm đó, các đế quốc như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Hà Lan, Anh, Pháp đã thiết lập chế độ thực dân của mình trên mảnh đất này.
Phải mất rất nhiều năm sau, người châu Mỹ mới có thể thoát khỏi ách thống trị của người châu Âu để hít thở bầu không khí tự do. Tuy nhiên, vào thời điểm những người châu Âu cuối cùng phải cuốn gói khỏi châu Mỹ, họ không thể ngờ rằng có một ngày châu Mỹ hay nói chính xác hơn là Nam Mỹ lại trở thành thế lực bóng đá đáng gờm đến vậy. Thế lực này thách thức cả châu Âu và cũng không ít lần khiến "lục địa già" phải ôm hận.
Trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá thế giới, nhiều lần bóng đá châu Âu kéo binh hùng, tướng mạnh đến Nam Mỹ, nhưng tất cả đều phải thất thểu ra về trong thất bại. Dần dà, người ta cho rằng đã có một lời nguyền ở mảnh đất nhiều nắng và gió khiến những “đế quốc” bóng đá châu Âu không thể giành chiến thắng.
Tuy vậy, World Cup 2014 đã ghi dấu một trang sử mới khi Đức trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên vô địch World Cup trên đất châu Mỹ. Đã có những thời điểm số phận các đội bóng châu Âu bị đe dọa. Đó là khi lần lượt Tây Ban Nha, Anh, Bồ Đào Nha phải về nước sớm hay khi có tới 8/16 đội châu Mỹ lọt vào vòng 1/8 nhưng kẻ chiến thắng cuối cùng vẫn là một cái tên đến từ "lục địa già".
Bản thân ĐT Đức cũng có lúc để lại nhiều nghi ngờ khi bị Ghana cầm hòa tại vòng bảng hay trầy trật hạ Algeria ở vòng 16 đội nhưng bản lĩnh và sức mạnh của người Đức đã được thể hiện đúng thời điểm. Việc Đức đánh bại Brazil tới 7-1 là một đòn giáng mạnh vào bóng đá châu Mỹ và tiếp đó người Đức vượt qua nốt bức tường thành cuối cùng Argentina để ghi dấu chân của mình trên đất châu Mỹ (nơi có tới 9 chức vô địch thế giới).
Lịch sử World Cup ghi nhận Tiệp Khắc (1962), Italia (1970, 1994), Hà Lan (1978) đã tiến đến “trận đánh cuối cùng” để hoàn thành mộng xưng bá tại châu Mỹ nhưng tất cả đều phải nhận thất bại cay đắng. Vì thế, chiến thắng của ĐT Đức tại World Cup 2014 có thể coi là chiến thắng lịch sử. Nó làm hả hê bao CĐV trời Âu và rạch một vết sâu vào trái tim CĐV yêu bóng đá Nam Mỹ.
Schweinsteiger không kìm nén được cảm xúc
Chảy máu chất xám
Sức mạnh của Đức là điều không phải bàn cãi, nhưng rõ ràng nếu nhìn vào những gì đã diễn ra tại Brazil, có thể nhận thấy rằng người châu Mỹ hay cụ thể hơn là người Nam Mỹ tự thua nhiều hơn. Sức mạnh bóng đá Nam Mỹ chủ yếu tập trung ở ba ông lớn Brazil, Argentina và Uruguay và cả ba “cánh chim đầu đàn” này đều cho thấy sự suy yếu rõ rệt trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân của sự suy yếu này là do chảy máu chất xám. Những cầu thủ Nam Mỹ từ khi còn là cậu bé đã được các đại gia châu Âu săn đón, đưa về đào tạo rồi sử dụng. Chính điều này đã làm cho bóng đá châu Mỹ chịu ảnh hưởng quá lớn từ nền bóng đá "lục địa già" và mất đi bản sắc vốn có là sự bùng nổ pha chút điên trên sân cỏ.
Nếu như trước đây, khi nhắc đến Brazil, Argentina hay Uruguay, người ta thường nghĩ ngay đến lối chơi hào hoa, phóng khoáng thì hiện nay tất cả chỉ còn là quá khứ. Những đội bóng này giờ đây sẵn sàng chơi "chặt chém" hay co toàn bộ đội hình về sân nhà phòng ngự để đạt được mục đích. Tuy nhiên, khi không còn giữ được bản sắc cộng với việc bị bắt bài (hầu hết các ngôi sao của ba ông lớn Nam Mỹ đều đang thi đấu ở châu Âu), tất cả chỉ là vô nghĩa.
Trong những năm tới, xu thế bóng đá chắc chắn không có nhiều thay đổi khi châu Âu vẫn là miền đất hứa đối với các cầu thủ Nam Mỹ. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc những đội bóng Nam Mỹ - lá cờ đầu của bóng đá châu Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với thực trạng chảy máu chất xám và suy giảm sức mạnh. Nếu đúng như vậy, chiến thắng của ĐT Đức sẽ chỉ là phát súng báo hiệu cho cuộc “xâm lăng” của bóng đá châu Âu với châu Mỹ.