
Phước Tứ lỗi hẹn với AFF Suzuki Cup: Vận hạn trong năm Rồng
4 THÁNG NỮA, PHƯỚC TỨ MỚI TRỞ LẠI
Quả thật, năm Rồng này là một năm thiếu may mắn với trung vệ Lê Phước Tứ. Đội trưởng của SG.XT đã chơi rất hay ở lượt đi mùa bóng 2012. Thế nên, có người mới nói rằng, bầu Thụy chơi ngông nhưng cũng không… ngông khi bỏ ra đến 12 tỷ đồng để phá sâu mọi kỷ lục chuyển nhượng, đồng thời nẫng Tứ “khùng” trên tay HN T&T.
Người ta có cảm giác, mọi trung vệ khi đá cặp với Phước Tứ đều có thể chơi ăn ý, bởi anh là mẫu cầu thủ toàn diện, với những kỹ năng băng cắt và bọc lót hoàn hảo. Nói cách khác, Phước Tứ đáp ứng được hai yêu cầu là chơi bóng cá nhân và có thể phục vụ cho lối đá tập thể. Và đó là lý do để thuyền trưởng ĐTVN Phan Thanh Hùng “rùng mình” khi nhận cái tin dữ: Phước Tứ dính chấn thương.

NGÔI SAO BÌNH DỊ
Có lần chúng tôi hỏi Phước Tứ chuyện tiêu tiền, anh chỉ nhoẻn miệng cười rồi nói: “Nhìn lên, tôi chẳng hơn ai, còn nhìn xuống thì tôi may mắn hơn rất nhiều người đấy. Thời khốn khó của gia đình tôi trước đây đã dạy cho tôi biết phải làm gì với đồng tiền mà mình phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được…”.
Phước Tứ từng thừa nhận, nếu không có bóng đá, nếu không có kỷ luật của nhà binh, có thể anh đã trở thành một tay anh chị ở xứ Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam. Tuổi 16, Tứ đã biết sát cánh cùng bố mẹ đào vàng ở Phước Sơn, Suối Mơ, Bồng Miêu… và thường xuyên chứng kiến những cuộc chiến giáp lá cà của giới giang hồ.
Thế rồi, cơ duyên đưa Phước Tứ đến với bóng đá. Cậu bé đá bóng ở Đại Lộc nức danh ngày nào không những thoát được nỗi ám ảnh chốn rừng thiêng nước độc, mà còn vực dậy được cả một gia đình từng điêu đứng vì nợ nần.
Từ một cậu bé “láu cá” trở thành lính binh nhì ở QK5, rồi lên lon thiếu úy ở Thể Công, và bây giờ trở thành một tỷ phú đá bóng, tất cả cứ ngỡ như một giấc mơ với Phước Tứ.
Chính vì vậy, với Tứ, bóng đá luôn chảy trong huyết quản, là nhựa sống và anh đang chiến đấu hết sức với chấn thương để nhanh chóng được trở lại sân cỏ.