Không thể ngăn cản 'sở hữu bên thứ ba'
KHÔNG CÓ GÌ PHỨC TẠP
Xu thế mới của bóng đá thế giới là bên thứ ba kiểm soát một phần quan trọng vấn đề chuyển nhượng của nhiều ngôi sao, đặc biệt là các ngôi sao Nam Mỹ. LĐBĐ thế giới (FIFA) rất muốn cấm hình thức này nhưng nó nằm ngoài khả năng của FIFA, bởi nó đã quá phổ biến và không có gì quá phức tạp hoặc gây rối rắm cho sự vận hành chung. Một ví dụ tiêu biểu mang tính thời sự cao là trường hợp của ngôi sao Radamel Falcao của Colombia.
Doyen Sports Group (DSG), một công ty môi giới thể thao, đã bỏ ra 11 triệu euro mua lại 55% quyền sử hữa Falcao, nhờ đó giúp cầu thủ này chuyển từ River Plate (Argentina) sang FC Porto (Bồ Đào Nha) với giá 20 triệu euro. Năm 2011, Falcao gây ngạc nhiên lớn khi từ Porto đến Atletico Madrid với giá 40 triệu euro, tức DSG sẽ có 22 triệu euro (tương đương 55%), lãi ngay 11 triệu euro.
Atletico lúc đó nợ hơn 500 triệu euro, lấy đâu ra số tiền lớn như thế mua Falcao? Thật sự, đội bóng thành Madrid chỉ phải trả 18 triệu euro, còn 22 triệu euro sẽ do DSG chi trả cho Porto, tức họ lại mua 55% giá trị sử dụng Falcao. Công ty này đặt cược vào việc Falcao sẽ tăng giá khi rời Atletico, và sự thật là Rojiblancos đã bán anh cho AS Monaco với giá 60 triệu euro. Như thế, cả Atletico, Falcao và DSG cùng có lợi. Sau 2 lần Falcao đổi CLB, từ số tiền đầu tư ban đầu là 11 triệu euro, DSG đã có 33 triệu euro, lãi 22 triệu euro! Nói đi thì phải nói lại, nếu Falcao không thành công và được bán với giá không cao như thế, thì khi đó vụ đầu tư của DSG sẽ lỗ nặng!
KÌM NHAU ĐỂ SỐNG
Như vậy, cách vận hành của hình thức sở hữu thứ ba cũng khá đơn giản, giống một doanh nghiệp có nhiều cổ đông. UEFA (LĐBĐ châu Âu) và FIFA không muốn bởi giống một công ty càng nhiều cổ đông thì càng phức tạp mỗi khi vận hành một chính sách. Tác động tiêu cực của nó tới thế giới bóng đá là cầu thủ bị chi phối bởi quá nhiều phe, từ CLB chủ quản, các bên sở hữu thứ ba (sau này có thể là sở hữu thứ tư, thứ năm...), CLB muốn mua cầu thủ ấy. Trước đây và hiện nay theo hình thức phổ biến ở châu Âu, là chỉ có một đội sở hữu 100% quyền sử dụng một cầu thủ, khi đội bán anh ta cho một CLB mới thì CLB đó cũng phải sở hữu 100% quyền sử dụng “món hàng”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra nằm ở câu chuyện tài chính. Không phải đội bóng nào cũng có sẵn tiền mua ngôi sao, ví dụ trường hợp Falcao. Porto và Atletico phải nhờ sở hữu thứ ba mới có thể mua được chân sút này và nhờ đó họ thành công trên sân cỏ. Như vậy, nhờ sở hữu thứ ba mà chuyện mua ngôi sao, siêu sao không còn là đặc quyền của một số ít đội như Chelsea, Real Madrid, Man City, Man United. Đó được xem là một tác động tích cực tới bóng đá và nó hoàn toàn phù hợp với tiêu chí “rút ngắn khoảng cách giữa các đội bóng” mà UEFA đang hướng tới nhưng vẫn... bất lực trong việc tìm ra giải pháp.
Việc có nhiều bên cùng sở hữu một cầu thủ còn tránh trường hợp “món hàng” bị một bên sở hữu (CLB chủ quản) làm khó đến cùng, như vụ Harry Kewell bị Leeds United “làm mình làm mẩy” trước khi được đến Liverpool trước đây. Chia để trị là cách thức phổ biến trong mọi ngành, mà bóng đá là ngành chậm chạp trong việc thay đổi bởi một phần là vì FIFA và UEFA cai quản theo cách độc đoán, dẫn đến những ví dụ “phá rào” như vụ Luật Bosman ra đời. Sở hữu thứ ba là một trường hợp khác phá vỡ sự “độc quyền” đó, tất nhiên vẫn cần những quy định rạch ròi, rõ ràng bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.