Luật Công bằng tài chính: Khéo co thì ấm
Mùa rồi, cả PSG lẫn Man City đều không đạt được những mục tiêu đề ra. Man xanh không giành được danh hiệu nào, còn đội bóng Pháp phải dừng chân ở tứ kết Champions League. Điểm chung là cả 2 đội đều bị đánh bại bởi Barcelona của Lionel Messi tại đấu trường châu lục.
Barca là đội đã bỏ tiền tấn mua Luis Suarez, nhưng khó có thể nói không có cầu thủ Uruguay này thì CLB xứ Catalan không thể làm nên chuyện. Barca trước sau gì vẫn đặt cược số mệnh vào Messi, và đây là sản phẩm của đào tạo tại gia (lò La Masia) chứ không phải sức mạnh của đồng tiền. Ngay cả khi nói về chuyện mua sắm, Barca cũng thành công với các vụ mang tên Suarez hay Neymar.
Mấu chốt của vấn đề chính là sử dụng đồng vốn như thế nào, chứ không phải có bao nhiêu vốn. Tất nhiên, một đội bóng có nguồn kinh phí eo hẹp thì không thể mơ làm chuyện lớn. Nhưng ngược lại, một đội bóng mơ làm chuyện lớn không hẳn cần có nguồn vốn khổng lồ. 3 mùa giải gần nhất, lọt vào chung kết Champions League là những đội không thuộc hàng “đại gia” về mua sắm, đó là Juventus, Atletico Madrid, Dortmund.
Nhìn vào những tấm gương kể trên, hẳn các fan của Man City và PSG chạnh lòng. Hai đội bóng này kể từ khi đổi đời nhờ nguồn tài chính từ các tỷ phú Trung Đông vẫn chưa một lần vào đến bán kết, chứ đừng nói đến trận chung kết Champions League. Trong bài viết gần nhất về việc Man City và PSG được dỡ bỏ ràng buộc của FFP, tờ Guardian (Anh) có nhấn mạnh: mùa rồi, vì “kẹt” FFP mà Man City không thể mua Radamel Falcao, còn PSG không thể có Angel Di Maria.
Biết đâu, họa lại là phúc. Những gì Falcao và Di Maria thể hiện ở M.U không cho thấy họ là những vụ đầu tư đúng đắn. Man City và PSG vẫn loay hoay tìm cách vươn lên đỉnh cao, và có vẻ như họ muốn học cách tư vấn của huyền thoại - bình luận viên John McEnroe dành cho tay vợt Rafael Nadal: hãy tìm một HLV mới và hãy sa thải ông chú Toni Nadal. Trong khi đó, tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic lại cho rằng Rafael Nadal sẽ phạm sai lầm lớn nếu sa thải chú của mình.
Không thể chỉ vì một trận thua trước một tay vợt vô danh như Dustin Brown tại Wimbledon mà xóa nhòa mọi công sức của Toni Nadal cùng đóng góp của HLV này cho thành công của Rafael Nadal trong quá khứ với 5 lần vào chung kết Wimbledon. Bản thân Rafael Nadal cũng thừa nhận “tôi thất bại vì bản thân chơi tồi chứ không phải vì HLV kém”.
Trở lại với chuyện bóng đá. Man City mùa rồi đầu tư mạnh mua Mangala và Bony, đều không thành công. PSG mua David Luiz với giá kỷ lục dành cho một hậu vệ, để anh chàng Brazil này bị Luis Suarez biến thành trò cười với 2 pha “xỏ lỗ gèn” điệu nghệ trước khi làm tung lưới thủ môn Sirigu. Trên băng ghế dự bị của PSG là những cầu thủ đắt giá nhưng bị bỏ phí, như Yohan Cabaye hay Lucas Moura.
Tóm lại là thay vì cứ trông chờ vào chuyện mua sắm để tăng cường lực lượng, tại sao Man City và PSG không tự hoàn thiện chính mình với những gì hiện có vốn không hề tồi chút nào? Man City đã bắt đầu mùa chuyển nhượng bằng cách… để James Milner ra đi. Đó là một trong những cầu thủ tốt nhất của đội trong vài mùa gần đây. Miễn bình luận tiếp!