
Gerrard, Cole & sự đáng sợ của "cột mốc 100"
Ở ĐT ANH, LỌT VÀO CLB 100 KHÔNG KHÓ
Ashley Cole và Steven Gerrard sắp đặt chân vào CLB 100, một vinh dự rất lớn. Và trong thế hệ vàng của Anh, họ cũng chính là những cá nhân đầu tiên lọt vào CLB 100. Phía sau họ, Lampard (93 lần); Rio Ferdinand (81)… khó có khả năng được cùng vinh danh ở đó khi cơ hội ở đội tuyển cho những cá nhân ấy gần như đã không còn nhiều nữa.
Có thể nói, với Cole và Gerrard, vươn được tới cột mốc 100 cũng đáng được xem là một thành công lớn. Nhưng đó chỉ là thành công cá nhân mà thôi và nó không thể xoa dịu được nỗi buồn người Anh. Đơn giản, giữa số lần khoác áo đội tuyển, trong tiếng Anh gọi là CAP, và biểu tượng của danh hiệu, những chiếc CUP, chỉ khác nhau một chữ cái nhưng lại là khoảng cách vời vợi của những giấc mơ không bao giờ trở thành sự thật.
Là một cầu thủ, người ta cần CUP hơn là số lần kỷ lục của CAP. Cole và Gerrard có được số lần kỷ lục kia trong khi họ không hề có CUP nào với ĐTQG mà thời gian thì không chờ đợi ai bao giờ. Tuổi 31 của Cole cùng tuổi 32 của Gerrard không cho phép họ có thể đi theo ĐTQG lâu hơn nữa. Tất nhiên, vẫn có những ngoại lệ nào đó mà Pirlo của ĐT Italia là ví dụ điển hình. Song, không phải ai cũng là Pirlo trong khi rất nhiều danh thủ lại có thể rơi vào hoàn cảnh giống như Ashley Cole.
… CHỈ CÓ ĐOẠT CÚP MỚI KHÓ
Dấu mốc 100 để lại gì trong câu chuyện của Cole và Gerrard? Có một thứ rõ nét nhất, nhấn mạnh nhất thực tế ở ĐT Anh trong dấu mốc 100 ấy chính là vấn đề tuổi tác. Càng lại gần cột mốc 100 đồng nghĩa với việc họ càng gần với cái đích cuối cùng của sự nghiệp. Và điều đó cũng tỷ lệ thuận với việc thời gian cho cả “CAP” lẫn “CUP” của họ ngày một cạn dần.

Giả như Cole mới chỉ 26 tuổi và Gerrard cũng vậy, dấu mốc 100 có thể là dấu hiệu “song hỉ” cho chính họ. Nó giống như số lần khoác áo đội tuyển của Rooney vậy (77). Con số lúc ấy sẽ thể hiện rõ kinh nghiệm và vai trò quan trọng của một cầu thủ đối với ĐTQG và song song với nó, họ vẫn còn nhiều thời gian để hiện thực hóa số lần khoác áo cũng như cơ hội chinh phục danh hiệu.
Nhưng sự thật thì lại khác hẳn. Cả một thế hệ vàng của ĐT Anh coi như đã sử dụng hết “hạn mức” khoác áo đội tuyển và cơ hội đoạt danh hiệu của họ cũng xa dần. Như vậy, mỗi lần khoác áo đội tuyển chỉ đơn thuần thêm thành tích cá nhân cho họ mà thôi chứ không cho phép họ có thêm khả năng làm được một kỳ tích để đời như những đồng nghiệp ở TBN, Đức, Italia hay Pháp.
ĐT Anh bây giờ đang trông chờ vào một thế hệ khác mà điển hình là những Baines, Cahill, Cleverley, Oxlade-Chamberlain… Họ có số lần khoác áo ĐTQG rất ít nhưng điều đó lại đồng nghĩa rằng “hạn mức” đến với thành công của họ còn dài. World Cup 2014, EURO 2016 sẽ là của những cái tên này. Khi ấy, Cole hay Gerrard có khi lại là những kẻ dự khán kỷ niệm, là những kẻ hướng đến cột mốc khác trong đời, ví dụ như lần thứ 50 bình luận một trận đấu của ĐTQG cho một kênh truyền hình nào đó, chẳng hạn…