Mới nghe , hẳn không nhiều người cảm thấy đây là con số đáng báo động.
Nhưng nếu đem so sánh giữa nguy cơ bỏ mạng trên sân cỏ trong bóng đá và số VĐV đấm bốc lìa đời ngay trên sàn đấu, hẳn sẽ có nhiều người giật mình. Cần phải biết rằng, từ năm 1883 đến nay, tức là 129 năm qua, mới chỉ có đúng 20 tay đấm mất mạng trên sàn đấu.
Có thể chúng ta chưa hề nghe qua con số này, nhưng chắc hẳn, những người có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các cầu thủ, hoặc cao hơn nữa là các LĐBĐ thành viên, UEFA, FIFA phải biết rất rõ. Vậy nếu đã ý thức được một cách khái quát về nguy cơ mất mạng treo lơ lửng trên đầu các cầu thủ, tại sao những người có liên quan trực tiếp tới sinh mạng của một con người vẫn để quá nhiều bi kịch thương tâm xảy ra?
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng đá không còn là một môn thể thao đơn thuần. Nó được đẩy lên như một ngành công nghiệp. Người ta sáng tạo ra hàng loạt máy móc tinh vi, hàng tá những bài tập tăng sức bền, sức mạnh cơ bắp, rồi hằng hà xa số các loại thực phẩm chức năng bổ sung protein trực tiếp vào máu. Các hãng trang bị thể thao thì đua nhau cho ra mắt những sản phẩm hỗ trợ, giúp cầu thủ có được trạng thái tốt nhất trong thi đấu… Nói chung, có cảm giác, các siêu sao chỉ việc tập luyện, ra sân thi đấu sao cho tốt, mà không cần quan tâm tới bất kỳ việc gì nữa.
Nhưng người ta dường như đang dần lãng quên việc phải chăm sóc sức khỏe cơ bản cho các cầu thủ. Lịch thi đấu thì ngày càng nhiều lên, kéo theo bệnh thành tích cả trong thi đấu lẫn kinh doanh, nhưng cầu thủ lại không được chăm sóc sức khỏe thực sự chu đáo.
Vẫn biết rằng, rất khó để quy kết trách nhiệm cho một tổ chức hay cá nhân cụ thể nào đó khi bỗng nhiên một cầu thủ gục ngã trên sân cỏ. Anh ta bị bệnh, và căn bệnh đó đã giết chết anh ta. Chúng tôi đã rất tiếc và sẽ treo vài tấm ảnh, tiến hành vài lễ kỷ niệm, thắng vài trận để tặng cầu thủ xấu số đó. Tất cả những gì người ta làm chỉ có thế. Vậy là đủ trách nhiệm!
Nhưng khi có bất kỳ cầu thủ nào gục xuống, ra đi vĩnh viễn, người ta không chỉ nhìn vào những trách nhiệm bề nổi. Câu hỏi đặt ra ở đây: Lương tâm của họ ở đâu?
Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh
Năm 2007, cựu HLV Chelsea, Jose Mourinho từng gào lên trước mặt những quan chức LĐBĐ Anh (FA), khi chứng kiến thủ thành Petr Cech phải nằm thoi thóp trong phòng thay đồ tới 30 phút chờ xe cấp cứu. Sau bài học đó, FA đã có một số cải tiến cơ bản trong công tác kiểm tra sức khỏe, cũng như sơ cứu cho các cầu thủ chấn thương. Như Muamba hôm qua. Nếu không có đội ngũ y tế kích tim kịp thời trên xe cứu thương, có lẽ cầu thủ này đã vĩnh viễn ra đi. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, phòng bệnh còn hơn chữa bệnh.
Người ta kêu gọi các cuộc kiểm tra sức khỏe dành cho cầu thủ đến thường xuyên hơn, và đi sâu vào chi tiết hơn. Không nên chỉ dừng lại ở chuyện đo độ phát triển cơ bắp, mỡ máu, mà còn phải phân tích một cách kỹ càng những căn bệnh tiềm tàng trong cơ thể. Cho đến khi công tác hậu cần này đạt đến độ hoàn hảo, xem ra mới không có những sự việc đáng tiếc xảy ra trên sân cỏ.
Bongdaplus.vn