Thực tế, từ CLB tới các LĐBĐ, từ UEFA tới FIFA, người ta từng thổi bùng lên những cuộc “thánh chiến” với đám siêu sao thích ăn vạ kiếm 11m, hoặc đơn thuần chỉ là bẫy đối phương nhận thẻ. Nhưng cho đến thời điểm này, biện pháp mạnh nhất dành cho một pha ăn vạ thô thiển cơ bản chỉ là phạt thẻ, cấm thi đấu và phạt tiền.
Theo cái cách rất tích cực, FIFA cũng mở một số lớp, tổ chức vài cuộc hội thảo tương đối quy mô để chỉ ra đặc điểm nhận dạng của một số pha ăn vạ, hoặc cụ thể hơn là khoanh vùng đối tượng. Năm 2010, FIFA thu thập băng tư liệu của 200 trận đấu tại 6 giải VĐQG châu Âu để các trọng tài xem. Kết luận được rút ra: Cầu thủ thường có xu hướng ăn vạ khi trận đấu rơi vào thế bế tắc, và họ rất thích ngã sát khu vực 16m50. Tiếc rằng, trong 169 tình huống được xác định là ăn vạ, không tình huống nào bị phạt thẻ ngay thời điểm đó cả.
Chi tiết hơn, người ta mời cả những bác sĩ hàng đầu tư vấn về biểu hiện của một cầu thủ đau thật và những kẻ đau giả vờ. Dựa trên biểu hiện lâm sàng về y học (như quan sát vết thương, thậm chí là mức độ toát mồ hôi của một cầu thủ đang lăn lộn trên sân), dưới góc nhìn thật chuyên nghiệp, các bác sĩ có thể phân biệt được anh nào đau thật, anh nào giả vờ.
Nhưng tất cả, buồn thay, vẫn chỉ dừng ở mức độ lý thuyết. Trong thực tế, các trọng tài bị phân tâm quá nhiều trong một trận đấu. Ví dụ: Ronaldo ngã xuống, lăn lộn, là y như rằng đồng đội của anh chạy tới vây lấy trọng tài, đòi hỏi phải cho kẻ chém đinh chặt sắt kia nhận thẻ. Vậy trọng tài lấy đâu ra thời gian quan sát những biểu hiện trên nét mặt, hoặc chuyện Ronaldo có toát mồ hôi nhiều hơn hay vết thương của anh tấy đỏ, chảy máu hay không?
Vậy nên, cho đến khi nào các cầu thủ tự ý thức được hành vi ăn vạ của họ đang làm xấu đi hình ảnh của bóng đá, nạn đóng kịch trên sân mới thực sự chấm dứt.
Bongdaplus.vn