Dĩ nhiên, đấy không phải là "bảng tử thần" - khái niệm mà người ta đã quen gọi là "Group of Death - Bảng tử thần" trước lễ bốc thăm của những giải bóng đá lớn. Đấy là "Group of Dept", hay "Bảng Chúa Chổm".
Chưa bao giờ VCK EURO chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh cực kỳ đen tối về mặt tài chính như thời điểm này. Với các đội vừa nêu, người ta thậm chí phải đặt câu hỏi đùa, hơi xúc phạm một tí: "Họ có đủ tiền mua vé máy bay đến Kiev hoặc Warsaw để dự EURO 2012?".
Trong khi Hy Lạp, Ireland, Italia, BĐN… đều đã hoặc đang thật sự lâm nguy trên lĩnh vực tài chính, nợ công ngày càng trở thành khái niệm ám ảnh trong đời sống thường nhật của dân chúng, thì kể cả các nước được cho là khỏe khoắn trong danh sách AAA (xếp hạng tín nhiệm tín dụng vàng ở mức cao), cũng chưa chắc giữ được tình trạng khỏe khoắn về tài chính từ nay đến lúc EURO khai diễn.
Người ta đã hình dung ra một bảng tạm gọi là "Group of Life" hay "Bảng sinh thần", theo nghĩa đấy là các nước được xếp trong danh sách AAA, đang tràn đầy sinh khí về mặt tài chính: Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Pháp. Tuy nhiên, đã có một vài thông tin ban đầu cho thấy cơn sốt nợ công đang mon men dần tới Đức.
Mà khu vực đồng tiền chung châu Âu bây giờ đâu chỉ biết đến nợ công. Còn có nợ ngân hàng, nợ chính phủ, nợ hộ gia đình, nói chung là cơ man các loại nợ - gồm cả những khái niệm mà người dân bình thường cần đến sự giải thích của giới chuyên môn để lõm bõm cảm nhận được. Bỗng nhiên… mắc nợ, đấy là câu chuyện thường thấy trong những ngày này. Và xem ra, tình hình châu Âu không thật khả quan từ nay đến ngày khai mạc VCK EURO 2012.
Các cây bình luận thường nói, bóng đá đỉnh cao chủ yếu chỉ gồm chuyện tiền bạc. Trớ trêu ở chỗ, cơn khủng hoảng tài chính hiện nay lại đang nhắm vào các nền bóng đá rất thành công về mặt chuyên môn. TBN hoặc BĐN, Italia hoặc Hy Lạp, Anh hoặc Ireland, đều đang chật vật trên trận địa tài chính. Có vẻ như đấy chính là quy luật chung.
Chưa bao giờ người ta xem các cường quốc bóng đá hàng đầu thế giới như Brazil hoặc Argentina là những nước giàu mạnh về kinh tế. EURO 2012 cũng chẳng khác mấy. Thụy Điển chưa bao giờ là ứng cử viên vô địch, nhưng đấy lại là một trong những nước hiếm hoi không bị nợ công đe dọa. Đấy là một trong những lá cờ đầu trên trận địa tài chính châu Âu hiện nay.
Muốn vô địch EURO 2012 thì phải diễn vai chính trong cuộc khủng hoảng tài chính 2011 ở khu vực đồng tiền chung châu Âu? Có thể đúc kết một điều: các nước đang bị giới đầu tư la ó, chế giễu trên trận địa tài chính lại là các nước đang được giới hâm mộ bóng đá cổ súy trước thềm EURO 2012. Hóa ra, bóng đá vẫn vậy sau hơn trăm năm phát triển. Đấy không hề là môn chơi dành cho nhà giàu, dù vẫn biết, hễ không có tiền thì khó mà phát triển bóng đá đỉnh cao!
Bongdaplus.vn