Nếu TBN vô địch EURO lần nữa, đấy sẽ là chuyện không ai có thể tưởng tượng. Xưa nay chưa có đội nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch EURO, huống hồ lại có thêm chức vô địch World Cup giữa 2 lần đăng quang vô địch EURO ấy. Nhưng tính đến thời điểm này, rõ ràng người ta vẫn xem TBN là ứng cử viên vô địch số 1 - căn cứ trên biểu giá của thị trường cá cược.
Nhìn vào khía cạnh chuyên môn, vấn đề lại khác. Kể từ sau World Cup 2010, sức mạnh của TBN đã giảm nhiều. Tuy vẫn toàn thắng ở vòng loại EURO, nhưng TBN thường thất bại trước các đối thủ ngang tài khi thi đấu giao hữu. Họ thua Anh 0-1, thua Argentina 1-4, thua BĐN 0-4, thua Italia 1-2, chỉ hòa Mexico 1-1, hòa Costa Rica 2-2 và suýt thua Chile (bị dẫn 0-2 rồi mới thắng lại 3-2 trong những phút bù giờ).
Với những Xavi, Xabi Alonso, David Villa… đều đã đạt đến hoặc vượt qua ngưỡng “băm”, gánh nặng tuổi tác bắt đầu xuất hiện. Đối phương ngày càng quen thuộc lối chơi của TBN. Tính đột biến và khả năng xuyên phá của đội bóng do HLV Del Bosque dẫn dắt quả thật không còn như lúc họ vô địch World Cup 2010 nữa.
Vấn đề là ở chỗ: nếu như bóng đá đỉnh cao trong năm 2012 vẫn còn xem trọng khả năng giữ bóng ở khu giữa sân thì ưu thế của TBN cũng vẫn còn đó. Đấy vẫn là đội có hàng tiền vệ tốt nhất trước thềm EURO. Còn nếu trận địa VCK EURO 2012 sẽ giới thiệu một lối chơi nào đó tiên tiến hơn, mới mẻ hơn, có lẽ TBN sẽ không kịp thích ứng. Điểm yếu của TBN là ở chỗ: họ chơi Tiqui-taca rất hay, nhưng họ không biết chơi kiểu nào khác hơn Tiqui-taca.
Nếu cần xác định một đối thủ đáng gờm nhất cho TBN tại EURO 2012 thì đấy chắc chắn là Đức - đội được nói đến nhiều nhất châu Âu trong năm nay. Trong cơn tâng bốc (sau trận giao hữu Đức thắng Brazil), báo chí thậm chí cho rằng các tuyển thủ Đức có đặc điểm Brazil nhiều hơn cả các ngôi sao Brazil. Người ta so sánh ngôi sao trẻ Mario Goetze của Đức với Lionel Messi.
Dù sao đi nữa, cũng phải thừa nhận, ở thời điểm này, Đức mạnh hơn hẳn so với thời kỳ Michael Ballack còn giữ vai trò thủ lĩnh trong đội. Họ xứng đáng với thành tích toàn thắng ở vòng loại EURO, có rất nhiều ngôi sao mới đang nhanh chóng vươn lên và có khả năng chơi theo nhiều cách khác nhau, từ sơ đồ chiến thuật đến nhân sự. Căn cứ vào khía cạnh chuyên môn thuần túy, nếu như có người cho rằng Đức mạnh hơn cả TBN ở thời điểm này, thì đấy cũng không phải là nhận định vô lý.
Ngoài TBN và Đức, chỉ còn một đội bóng khác tỏ ra đáng gờm trong năm 2011, đó chính là Hà Lan, á quân World Cup 2010. Hà Lan giống Đức ở chỗ có thể chơi bóng một cách đa dạng, và họ giống TBN ở chỗ vượt trội so với tuyệt đại đa số các đội còn lại về mặt kỹ thuật. Có thể xem Hà Lan là một đội bóng nằm ở khoảng giữa của Đức và TBN (về đặc điểm nhận dạng chứ không phải về thứ hạng).
Tất nhiên, vẫn còn đấy những Robin van Persie, Wesley Sneijder, Van der Vaart hoặc Klaas-Jan Huntelaar. Khác biệt giữa Hà Lan hiện nay với một Hà Lan dường như chỉ lo “chém đinh chặt sắt” khi tranh ngôi vô địch World Cup 2010 với TBN là sự nhuần nhuyễn hơn về lối chơi, bản lĩnh hơn trong khâu xử lý. Tóm lại, Hà Lan của HLV Bert Van Marwijk bây giờ còn mạnh hơn cả Hà Lan tại World Cup 2010.
Chẳng những chưa hề vô địch, đội tuyển Anh xưa nay còn chưa bao giờ tiến được đến trận chung kết EURO. Và bây giờ, chắc là không có nhiều người tin vào một sự thay đổi. Sau bao thập niên tự huyễn hoặc, người Anh vẫn không thể nuốt trôi thực tế là họ không có ngôi sao, rằng cỡ Wayne Rooney không bao giờ mon men được đến vị trí có hy vọng chiến thắng trong các cuộc bầu chọn lớn, như “Quả bóng vàng”.
Thế hệ trẻ tài năng trên quê hương bóng đá hoặc chưa kịp vươn lên, hoặc chưa đủ bản lĩnh để tranh tài ở đẳng cấp cao nhất. Trong khi đó, Steven Gerrard, John Terry, Ashley Cole, Frank Lampard đang đồng loạt già đi. Không thể xem thường họ, nhưng cũng chẳng ai ngán họ.
Xét về tài năng, có vẻ như Anh và Italia là 2 cường quốc khô hạn nhất hiện nay. Thế nên, mức độ hy vọng của Italia trước thềm EURO cũng chỉ ngang ngửa với Anh. Pháp có khá hơn một tí, chủ yếu là ở khía cạnh tài năng. Nhưng đây lại là đội thất thường nhất trong số các đội mạnh ở châu Âu. Nhìn chung, hy vọng vô địch EURO 2012 của Anh, Italia và Pháp thấp hơn rõ rệt so với hy vọng của Đức, Hà Lan hay TBN. Nhìn lại năm 2011, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra vòng loại EURO 2012 cũng có khá nhiều vấn đề, từ chuyên môn đến thành tích, cho thấy Anh, Italia và Pháp đều không tìm được một thế thống trị rõ ràng. Anh mà phải so kè với Montenegro thì đấy không phải là sự mất mặt đấy ư?
Danh sách ứng cử viên vô địch EURO 2012 chấm dứt tại đấy. BĐN lui tới cũng chỉ có Cristiano Ronaldo, không thể một mình làm nên mùa xuân. Nga hoặc Croatia cùng lắm chỉ có thể gây bất ngờ, chứ không mong làm nên việc lớn. Càng khó có chuyện Ukraine hoặc Ba Lan chinh phục thành công đấu trường EURO. Dù sao đi nữa, đấy chỉ là bức tranh tổng quát về EURO 2012 tính đến trước thời điểm bốc thăm chia bảng. Hy vọng thành công của từng đội bóng có thể sẽ thay đổi nhiều trong ngày 2/12, bởi đây có thể là cuộc bốc thăm rất nặng tính may rủi.
Bongdaplus.vn