
Giá lạnh và băng tuyết hiện đang tàn phá cả châu Âu chứ không riêng gì Italia. Nhưng tại sao vấn đề thời tiết lại trở nên nghiêm trọng đến thế đối với các giải đấu tại đất nước hình chiếc ủng?
1. Ngay cả những người không có nhiều kiến thức về khí tượng cũng thừa hiểu rằng, sự khắc nghiệt của mùa Đông châu Âu tăng dần về phía Bắc. Thế nhưng, các giải bóng đá tại Anh, vốn ở vĩ độ cao hơn Italia vẫn diễn ra bình thường, trong khi BTC Lega Calcio lại đang khốn khổ sắp xếp lịch đá bù cho các trận bị hoãn ở Serie A và B. Tại sao?

Trong lúc HLV Mancini và các học trò ở Man City ăn mừng thắng lợi 3-0 trước Fulham để tiếp tục củng cố ngôi đầu bảng Premiership, hẳn ông phải chạnh lòng khi so sánh sân bãi ở Anh với nước Ý quê hương. Cầu thủ Man City và Fulham đã tranh tài sòng phẳng bất chấp tuyết rơi dày trong hiệp 2. Hệ thống sưởi ngầm bên dưới mặt sân đã phát huy tác dụng, chính nó giúp mặt cỏ Etihad chống chọi với tuyết, dù các khán đài được thiết kế theo xu hướng hấp thụ tối đa ánh sáng, đồng nghĩa với việc tuyết có thể rơi xuống sân nhiều hơn.
2. Qua trận Man City - Fulham, có thể thấy chuyện các giải đấu ở Italia phải liên tục điều chỉnh giờ thi đấu không hoàn toàn chỉ vì thời tiết, vấn đề chính là hạ tầng cơ sở của bóng đá Italia quá yếu kém, không đủ khả năng chống chọi với áp lực từ thiên nhiên.

Đây quả là nghịch lý lớn lao nếu biết rằng các doanh nghiệp thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã đóng góp đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của Italia hàng năm. Vì thế, ngành “công nghiệp” đặc biệt này không thể chỉ được nhìn nhận dưới góc độ xã hội, mà còn phải được quan tâm từ quan điểm kinh tế thuần túy. Tiếc là các điều kiện hạ tầng lại chưa được chú ý đúng mức, tương ứng với tầm vóc của nền bóng đá Italia!
Chỉ riêng chuyện hệ thống sưởi ngầm dưới mặt sân, tất cả các sân bóng hiện đại ở châu Âu đều được trang bị, trong khi tại Italia, ngay cả những SVĐ danh tiếng lâu đời như Olimpico (Rome) hay San Siro (Milan) cũng luôn phải vất vả vì thời tiết. Tại Serie A mùa này, tính tới trước loạt đấu tối qua, cả thảy đã có tới 8 trận bị hoãn vì lý do thời tiết.

Không chỉ có tuyết, mưa cũng là vấn đề lớn. Trận Catania – Roma mới đây đã bị ngưng giữa chừng vì mưa lớn làm ngập sân, bóng không thể nảy lên quá 20 cm. Hệ thống thoát nước ở các SVĐ Italia nhìn chung là kém, dẫn đến việc nước mưa ứ đọng gây ảnh hưởng tới mặt sân. Trận Napoli - Juve ở vòng 11 lại là một ví dụ khác, khi bị hoãn vì mọi con đường dẫn tới San Paolo đều ngập, gây nguy hiểm cho các CĐV tới SVĐ. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây BTC sân San Siro đã phải cho nhập loại cỏ từ Bordeaux, hiện được trồng ở Nou Camp và Bernabeu, sau lời kêu cứu của hàng loạt cầu thủ Milan và Inter về tình trạng mặt sân.
3. Cần nhiều hành động mạnh tay để cải tổ tình trạng hạ tầng bóng đá Italia trước nhu cầu cấp bách hiện nay. Một đội ngũ CĐV bóng đá hùng hậu lên tới 25 triệu người (dân số Italia khoảng 60 triệu) cần được tôn trọng đúng mức trước nhu cầu chính đáng là xem và thưởng thức bóng đá.

Tuyết rơi, mưa lớn đã gióng thêm một hồi chuông báo động nữa về tình trạng xuống cấp của sân bãi ở Italia, sau khi nước này thất bại thảm hại trong nỗ lực xin đăng cai VCK EURO 2016 (thua về phiếu cả Thổ Nhĩ Kỳ). Không biết đến bao giờ Italia mới lại có một đợt cải tổ sân bãi lớn như khi chuẩn bị đăng cai VCK World Cup 1990?!
GÓC NHÌN: QUÁ NHIỀU HẬU QUẢ
Sau thảm họa Hillsborough năm 1989, người Anh tiến hành một cuộc điều tra quy mô tìm lý do cuộc bạo loạn thảm khốc tại sân bóng này. Kết quả cuộc điều tra ấy sau này được biết đến dưới cái tên “Bản báo cáo Taylor”, theo tên của cựu bộ trưởng Tư pháp Anh. Trong báo cáo có một câu nổi tiếng: “Nếu CĐV bị đối xử như những con thú, họ sẽ hành xử như những con thú”. Câu ấy ám chỉ tới chất lượng các sân bóng, từ hạ tầng cho đến dịch vụ, an ninh.
Tuyên bố ấy có thể áp dụng cho Serie A, nơi mà tình trạng CĐV quá khích vẫn đang là một vấn nạn. Sau “Báo cáo Taylor”, nước Anh tiến hành một cuộc nâng cấp trên quy mô rộng, giúp hầu hết các sân bóng lớn ở nước này đều có khán đài 100% chỗ ngồi. Trong khi đó, ngoại trừ San Siro và Olimpico, hầu hết các sân bóng lớn ở Italia vẫn còn khán đài đứng: đây là tiền đề để sự mất trật tự diễn ra, với một đám đông lộn xộn không có vị trí cố định trên các khán đài. Việc có chỗ ngồi cố định sẽ giúp các đội bóng dễ dàng quản lý CĐV của mình: căn cứ vào vị trí trên vé, họ dễ dàng xác định kẻ gây rối là ai.

Sẽ rất dễ dàng tìm ra lý do của việc hạ tầng của bóng đá Italia tụt hậu so với các nền bóng đá phát triển khác: các CLB không được sở hữu sân nhà. Quyền sở hữu sân hầu hết vẫn nằm trong tay chính quyền địa phương, và lợi ích chính trị đôi lúc không đi kèm với lợi ích của các đội bóng. Tuy nhiên, như đã nói, việc nâng cấp các sân bóng ở Anh là một chiến dịch quốc gia, với sự định hướng của chính phủ. Vấn đề có lẽ nằm ở quan niệm. Trong khi người Anh coi SVĐ là một tài sản, phải sinh lợi bằng mọi giá, thì các chính trị gia Italia tại tin rằng SVĐ là một “tiêu sản”, phải tốn kém xây dựng và quản lý để phục vụ thú giải trí. Việc các sân bóng không được đầu tư, là kết quả của việc không coi bóng đá là một ngành kinh doanh thực sự. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài ít mặn mà với Serie A: doanh thu từ các dịch vụ trên sân rất thấp, mà họ không có quyền cải tạo.
Việc không liên tục cải tạo các sân bóng dường như cũng là một yếu tố khiến cho Italia ít có cơ hội đăng cai các giải đấu lớn. Với hầu hết các sân quan trọng, lần cuối chúng được nâng cấp đã diễn ra từ hơn 2 thập kỷ trước để phục vụ cho VCK World Cup 1990. Đó cũng là lần cuối cùng Italia trở thành sân nhà của một sự kiện bóng đá quan trọng, cho dù là các giải đấu trẻ.
SỐ LƯỢNG SÂN TIÊU CHUẨN UEFA: SERIE A VẪN HƠN PREMIERSHIP
Kể từ năm 2006, UEFA bắt đầu áp dụng hệ số Elite (thay 5 sao) để xếp hạng các SVĐ ở châu Âu. Hệ số Elite gồm 8 tiêu chí cụ thể sau: 1) SVĐ ít nhất phải có sức chức 30.000 người. 2) Chiều dài 105 m, chiều rộng 68 m. 3) Phòng thay đồ phải có ít nhất 25 chỗ ngồi. 4) Băng ghế dự bị có ít nhất 13 chỗ ngồi. 5) Phải có phòng điều hành an ninh chung ở sân. 6) Phải có phòng thử doping, đảm bảo đủ ít nhất 1.500 chỗ ngồi VIP và 200 chỗ cho phóng viên tác nghiệp. 7) Có đủ 3 màn hình lớn quanh sân. 8) Đèn chiếu phải đủ sáng cả ngoài đường biên và không bị chói quá.

Theo đó, trong bảng xếp vừa được UEFA công bố năm 2011 thì chỉ có 26 sân đạt tiêu chuẩn Elite (5 sao). Serie A dù mang tiếng là giải đấu có chất lượng sân bãi rất kém nhưng khá bất ngờ khi vẫn góp mặt 3 SVĐ là: San Siro (Milan, Inter), Olimpico (Roma, Lazio) và Olimpico di Torino (Torino). Với vỏn vẹn 27.500 chỗ ngồi, Olimpico di Torino là SVĐ đạt tiêu chuẩn Elite bé nhất ở châu Âu. Đáng chú ý, sân mới nhất ở Italia, Juventus Arena không có tên trong danh sách sân Elite của UEFA. Thậm chí, SVĐ này còn không xuất hiện ở danh sách các sân đạt tiêu chuẩn 4 sao (Italia có 2 sân là San Paolo, San Nicola).
Tuy nhiên, xét về số lượng sân đạt tiêu chuẩn Elite thì Serie A vẫn nhiều hơn… Premiership. Hiện tại, Premiership chỉ có 2 sân “5 sao” là Wembley và Old Trafford. Những SVĐ nổi tiếng khác như Anfield (Liverpool), Etihad (Man City) chỉ được xếp hạng “4 sao”. Đây là điều khá bất ngờ bởi các sân ở Anh vốn có tiếng là đẹp và đầy đủ tiện nghi.

Cũng trong BXH sân Elite của UEFA, Tây Ban Nha có tới 5 sân đủ tiêu chuẩn, nhiều nhất ở châu Âu. Các sân này bao gồm Nou Camp (Barcelona), Olimpic Lluis Companys, Olimpico de Sevilla, Santiago Bernabeu (Real Madrid), Vicente Calderon (Atletico Madrid). Xếp sau là Đức với 4 sân: Allianz Arena (Bayern Munich), HSH Nordbank Arena (Hamburg), Olympic Stadium, Veltins Arena (Schalke).
Bongdaplus.vn