
1. Cái tát của Ibra vào mặt Aronica (Napoli) đúng là hình ảnh chẳng đẹp đẽ gì cho những người yêu mến Milan và tài năng của chân sút người Thụy Điển, nhưng phải chăng, hành vi ấy xứng đáng với mức phạt nặng đến thế?
Về khía cạnh lực tác động, cái tát ấy chẳng làm Aronica mất giọt máu nào, hậu vệ của Napoli thậm chí cũng không thèm lăn ra sân kêu thét như cái cách mà dàn cầu thủ ưu tú của một đội bóng đang được ngợi ca là xuất sắc nhất hành tinh vẫn làm hàng tuần! Thế nhưng, Ibra vẫn bị treo giò tới 3 trận, có lẽ vì Ban kỷ luật Lega Calcio xét đến yếu tố “lý lịch”. Đây không phải lần đầu Ibra có những ứng xử thô lỗ như thế. Mùa trước, ngay sau khi hết hạn treo giò 2 trận, Ibra đã lại dính thẻ đỏ trong trận đầu tiên trở lại (gặp Fiorentina) vì chửi thề trợ lý trọng tài, và lĩnh tiếp án ngồi ngoài 3 trận.

2. Điều đáng nói nhất chính là việc trận thứ 3 trong án phạt dành cho Ibra lại là cuộc đọ sức mang tính quyết định Scudetto với Juve ở vòng 25. Một lần nữa là án treo giò 3 trận, gợi lại câu chuyện 7 năm về trước. Mùa 2004/05 ấy, Milan và Juve cũng đang cạnh tranh nhau quyết liệt trên BXH trước khi bước vào cuộc so tài quyết định ở vòng 35. Thế nhưng, cú đánh nhằm vào Cordoba của Ibra (khi ấy, anh khoác áo Juve) trong thất bại 0-1 của Juve trước Inter cũng buộc Ibra phải ngồi ngoài 3 trận, mà trận cuối chính là cuộc đọ sức với Milan.
Thời điểm đó, án phạt nặng của Ibra tạo ra một cuộc bút chiến nảy lửa giữa các tờ báo thân Milan và Juve suốt nhiều tuần trước cuộc so tài giữa 2 đội. Phía Juve (thời đó thường xuyên được trọng tài “nâng đỡ” một cách trắng trợn) cho rằng chính Milan có tác động tới Ban kỷ luật nhằm treo giò Ibra trong trận chiến quan trọng nhất mùa bóng. Phe thân Milan lại đưa ra những lý lẽ ủng hộ quyết định của Ban kỷ luật. Vòng 35 mùa đó, Juve đánh bại Milan 1-0 nhờ cú đánh đầu kỹ thuật của Trezeguet, kèm theo ít nhất 2 quả penalty xứng đáng cho Milan không được trọng tài Collina nhìn thấy!
3. Bây giờ, vẫn là Ibra, vẫn là trước thềm cuộc đại chiến Milan - Juve ở Serie A, nhưng vai “bị hại” và “đắc lợi” được đảo ngược. Người ta không thể không nghi ngờ về tính công tâm của bản án, khi nó đến trong thời điểm rất nhạy cảm, mà những chuyện tương tự như thế đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
Ở giải đấu có tiếng là lắm chuyện thị phi như Serie A, những nghi án về việc triệt hạ lẫn nhau bằng những “đòn bẩn” đã và vẫn đang là thứ đặc sản trước mỗi trận cầu lớn. Hãy chờ xem trong những ngày tới, liệu Ibra có được giảm án sau nỗ lực kháng cáo của Milan!
Vắng Ibra cũng chẳng sao?
Những thống kê về Ibrahimovic đang chỉ ra một điều nghịch lý. Cụ thể, trong 2 mùa giải ở San Siro, Milan thắng 60% số trận có chân sút người Thụy Điển. Nhưng khi Ibra vắng mặt, tỷ lệ giành thắng lợi của Milan lại là… 67%. Nếu cứ suy luận theo con số kể trên thì rõ ràng Ibra không quan trọng lắm với Milan. Và vắng anh cũng không phải vấn đề lớn với HLV Allegri?
Nhưng thực tế lại không phải vậy. Ibra quá quan trọng với Milan. Mùa trước, sự vắng mặt của Ibra không để lại nhiều hậu quả vì Robinho và Pato chơi rất hay. Đấy là chưa kể từ giai đoạn 2 mùa trước, Milan còn có sự bổ sung chất lượng Cassano. Còn năm nay, việc chân sút người Thụy Điển không ra sân sẽ là khoảng trống cực lớn, đặc biệt khi các đối tác của anh như Robinho, Pato chơi tồi tệ. Tại Serie A 2011/12, Ibra không đá 3 trận thì Milan hòa 1 (Udinese), thua 1 (Napoli) và chỉ thắng được 1. Nhưng nên nhớ, đó là chiến thắng nhọc nhằn 1-0 trước Cesena.
Thành tích từ đầu mùa của Ibra cũng nói lên tầm quan trọng của anh. Cụ thể, Ibra ghi 21 bàn, có 5 đường kiến tạo chỉ sau 25 trận cho Milan mùa này. Xin lưu ý, mùa trước, Ibra phải cần tới 41 trận mới ghi được 21 bàn cho Rossoneri. Chẳng quá chút nào nếu nói không Ibra, Milan mất 50% sức mạnh. Tin vui duy nhất với Milan là việc vắng mặt ở Serie A sẽ giúp Ibra bung hết sức đá một trận sống còn với Juventus đêm nay.
Bongdaplus.vn