1. Bên cạnh Nou Camp, người Barca giờ đã có “Nou Masia” - một trung tâm huấn luyện La Masia mới được xây lên với kinh phí 11 triệu euro. Không phải là biệt thự cổ kính ở quận Les Corts nữa, mà là một khối kiến trúc thép-kính đồ sộ như biểu tượng sức mạnh của thời đại mới.
Cũng vào một ngày tháng 10 cách đây 11 năm, các tuyển trạch viên của Barca đã viết báo cáo về một cậu bé người Argentina mới đến: “Kỹ năng sút bóng tuyệt vời, cực nhanh khi có bóng trong chân, trọng tâm thấp khiến khả năng giữ thăng bằng tốt, thông minh”. Cậu bé ấy, Leo Messi, bây giờ là biểu tượng cho sức mạnh không thể chối cãi về “mô hình đào tạo La Masia”, thứ được thế giới bóng đá kính nể. World Cup, EURO, Champions League, những danh hiệu khiến La Masia rất gần với một huyền thoại.
Ngay sau khi đè bẹp Man United 6-1, dường như xác tín rằng công cuộc tạo ra một đội bóng lớn bằng việc khuấy đảo TTCN đã xong, BLĐ Man City nói ngay đến La Masia. “Chúng tôi sẽ cố gắng học theo mô hình tuyệt diệu ấy” - giám đốc bóng đá Brian Marwood nói. Sẽ lại có cả trăm triệu bảng nữa được chi hòng tạo ra “La Masia” thứ hai ở châu Âu.
Nhưng cũng cần có người nói với những ông chủ của Man City rằng một Barca xây dựng lên từ La Masia cũng có bất cập của nó: đó không phải thứ bền vững như người ta tưởng.
2. Có rất nhiều bằng chứng đanh thép thể hiện sức mạnh của La Masia: nào là số lượng cầu thủ từ lò này trong đội hình chính của Barca và Tây Ban Nha, nào là số lượng tài năng trẻ mà nó liên tục sản sinh ra qua mỗi mùa giải. Nhưng chính vì La Masia hoạt động năng suất quá, nên sinh ra mặt trái: không lấy đâu ra chỗ nuôi dưỡng tài năng.
Khi Issac Cuenca vào sân trong trận gặp Viktoria Plzen ở Champions League giữa tuần qua, anh là cầu thủ trẻ thứ 20 có trận đầu tiên cho Barcelona kể từ khi Pep Guardiola nắm quyền. Một con số thống kê rất đáng chú ý: 20 người ra mắt chỉ trong hơn 3 năm, và họ đi đâu?
La Masia kìm hãm La Masia. Bộ khung huyền thoại bao gồm Messi, Busquets, Iniesta, Xavi, Puyol, Valdez đã làm nên thành công của Barca gần như không thể thay đổi thời điểm này. Trong áp lực thành công cực lớn, những thiên tài trẻ từ La Masia khó có chỗ chen chân.
Pedro, lên như diều ở mùa trước, giờ không còn được trọng dụng. Thiago, điều khoản giải phóng hợp đồng 90 triệu euro, cũng “được” thử nghiệm tới 5-6 vị trí khác nhau mà vẫn chưa biết sẽ đá ở đâu. Andreu Fontas, đã 21 tuổi, không được thi đấu dù Mascherano có phải về trám chỗ ở hàng phòng ngự.
3. Để kể ra những sản phẩm không lỗi, nhưng thừa mứa rồi cuối cùng bị bỏ quên và thui chột của La Masia thì sẽ là một danh sách rất dài: Dos Santos, Gai Assulin, Jeffren, Krkic, Marc Crosas… Họ có thể tỏa sáng ở đâu đó, chứ không phải là Barca. Cho đến lúc này, sau Messi, những đóng góp của La Masia cho Barca ở mức rất chừng mực.
Và sau khi xác tín rằng không phải cứ có La Masia, và La Masia liên tục sản sinh ra tài năng thì sẽ có vĩnh hằng thành công, lại xuất hiện một câu hỏi khó khác: nếu thế hệ này bước xuống, thành công của Barca sẽ được duy trì ra sao?
Một câu hỏi có vẻ hơi vô duyên trong bối cảnh cực thịnh này. Nhưng không quá bất hợp lý: dẫu sao thì Barca cũng đã cho thấy họ chẳng giàu có gì, và khả năng mua người của Pep Guardiola thì đã được chứng minh là vô cùng hạn chế.
Bongda.com.vn