Premier League nói không với phình quỹ lương
Việc các CLB liên tục duyệt chi những mức lương trên trời để giữ chân cầu thủ vô hình trung đã khiến Premier League dần đánh mất đi khái niệm bình ổn kinh tế. Lấy ví dụ đơn giản: Mùa giải 2001/02, tại Premier League, các CLB chi trung bình 1,1 tỷ bảng, chiếm 62% nguồn thu của họ, vào việc chi trả tiền lương.
Đến mùa giải 2010/11, cho dù doanh thu của nhiều ông lớn đã nhích lên đôi chút, nhưng cùng với đó cũng là sự phi mã bất thường của quỹ lương. Bây giờ, số tiền các đội bóng phải chi ra để trả lương đã lên tới 1,8 tỷ bảng, chiếm 70% doanh thu.
Hệ lụy của sự phình to quá đáng của quỹ lương thì chẳng cần đến các nhà thống kê, NHM cũng có thể đọc nhan nhản trên các mặt báo. Đó là sự mất cân bằng về tài chính. Về lý thuyết, nếu một CLB chi tới 70% doanh thu để trả lương, thì họ còn đâu tiền để mua sắm cầu thủ, nâng cấp cơ sở vật chất? Ấy thế mà thực tế thì các ông lớn vẫn mua sao ầm ầm, nay xây thêm hạng mục này, mai nâng cấp công trình nọ.
Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ được áp dụng. Trong tương lai gần, nó sẽ buộc những CLB lớn phải tự cân đối quỹ lương để tái đầu tư vào các mục đích khác. Đáng báo động ở chỗ, theo thống kê được tờ Guardian đăng tải, trong mùa giải 2010/11, chỉ Man United và Arsenal làm ăn có lãi. Tất cả những CLB còn lại đều đáng sống dựa vào túi tiền của ông chủ.
Giải pháp nào cho việc giảm quỹ lương trong bối cảnh tiền bản quyền truyền hình được đổ vào nhiều hơn? Đó là câu hỏi xuyên suốt trong cuộc họp giữa đại diện 20 CLB thuộc Premier League và ban tổ chức giải đấu. Và một giải pháp đang nhận được sự thống nhất cao từ các đội bóng, đó là quy định không được tăng mức lương trung bình quá 10% trong mỗi chu kỳ 3 năm của hợp đồng bản quyền truyền hình mới.
Tất nhiên, quy định trên mới ở dạng dự thảo và chưa được thông qua. Nhưng theo Ellis Short, chủ tịch của Sunderland, thì đó là chìa khóa duy nhất cho bài toán giảm quỹ lương. “Nếu tất cả các CLB đều chấp hành nghiêm chỉnh quy định trên, Premier League sẽ dễ dàng hơn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn tài chính của UEFA. Nó cũng gián tiếp ngăn chặn xu thế đòi hưởng lương cao của các ngôi sao”, Ellis Short phát biểu. Sunderland được xem là một “nạn nhân” tiêu biểu của tình trạng quỹ lương phình to, khi 77% thu nhập của họ tại mùa giải trước chỉ dành cho việc “nuôi béo” cầu thủ.