
Lăng Kính: Giroud, Hazard & chuyện cá nhân-hệ thống
>> Man City giữ chân tiền đạo trẻ đang lên
>> Arsenal: Wilshere đã sẵn sàng trở lại vào cuối tuần
1. Khi TBN tiếp Pháp trên sân Vicente Calderon, khách mời bình luận trước, giữa và sau trận đấu của kênh TF1 chính là HLV Arsene Wenger. Và ông đã nói khi hiệp 1 kết thúc rằng: “Tôi nghĩ, Deschamps sẽ để Giroud vào thay Benzema ở gần cuối trận, khi TBN thấm mệt”. Sau trận đấu, ông bắt đầu phần bình luận với một phóng viên và một khách mời khác bằng nụ cười giòn tan. Tất cả họ cười vì Pháp đã có điểm nhưng trong nụ cười của Wenger, có lẽ ông mừng nhiều hơn vì Giroud đã có bàn thắng giải toả tất cả.
Phải thừa nhận, người ta đặt kỳ vọng lên Giroud quá nhiều khi anh về Arsenal. Cái áo Van Persie để lại; cái áo Vua phá lưới Ligue 1 chính là tấm lưới sắt bọc Giroud lại khiến anh không thể thăng hoa. Nhưng có một người vẫn kiên định vì anh. Đó là Wenger, với câu nói sau này sẽ được người ta nhắc lại nhiều hơn nữa, rằng “hãy kiên nhẫn với Giroud”.
Wenger có niềm tin ấy vì ông luôn kiểm chứng rất kỹ trước khi mua một ai đó. Với Giroud, ông và Grimandi đã theo dõi anh hơn 3 mùa rồi, kể từ khi tiền đạo này chưa là Vua phá lưới Ligue 1.

Ở Arsenal, có mấy khi Giroud nhận được đường chuyền tốt? Chắc người ta chưa quên lối chơi ích kỷ của Walcott và Gervinho đúng vào lúc Giroud khát bàn thắng nhất. Ở đội tuyển Pháp thì tình hình khác hẳn ở Arsenal. Đơn giản, cả tập thể Pháp khát bàn thắng chứ không chỉ mình Giroud. Với họ, Giroud, Benzema hay Gomis đều như nhau, đều chỉ là người mà họ hy vọng sẽ giúp cả đội giải toả cơn khát. Chính vì thế, họ chuyền bóng cho người cần chuyền ở đúng thời điểm cần chuyền.
3. Trước trận Bỉ thắng Scotland 2-0, chính chủ tịch LĐBĐ Bỉ đã lên tiếng yêu cầu hoặc là HLV cất Hazard trên băng ghế dự bị, hoặc là Hazard phải học chơi lùi sâu hỗ trợ phòng ngự hơn nữa. Và HLV Wilmots đã cất Hazard ở hiệp 1 gặp Scotland thật. Câu chuyện đó thì liên quan gì đến Arsenal, đến Giroud?
Thật ra là có liên quan, ở khía cạnh nhất định nào đó. Người ta nói, bóng đá là môn thể thao tập thể. Tập thể tức là hệ thống và cá nhân là một phần trong hệ thống. Thế nên, yêu cầu cá nhân hoà nhập vào hệ thống luôn luôn là cấp thiết.
Song không phải lúc nào cũng bắt cá nhân phải thay đổi theo hệ thống bởi lẽ, có những cá nhân kiệt xuất lại cần hệ thống phục vụ mình. Tất nhiên, Giroud chưa phải cá nhân kiệt xuất nhưng anh là cá nhân đáng được hệ thống của Arsenal thay đổi để giúp anh chơi tốt hơn. Và sự thay đổi mang tính hệ thống ấy của Arsenal cũng giúp họ tốt hơn hẳn.
Điều đó cũng giống như những gì xảy ra với Hazard ở Chelsea. Hazard kỳ vọng sẽ là nguồn cảm hứng thay cho Lampard nhưng Chelsea không yêu cầu anh lùi sâu như Lampard vẫn làm. Đơn giản, hệ thống ấy sẵn lòng thay đổi vì anh.
Còn ở ĐT Bỉ thì không. Vì ngoài Hazard, họ còn Dembele, còn Fellaini nên chuyện Hazard phải thay đổi vì hệ thống là yêu cầu đúng đắn.
Sự cân bằng giữa hệ thống và cá nhân quan trọng lắm. Và vì thế, hãy tin điều Wenger nói. Ông đang muốn cả hệ thống thay đổi để phục vụ những nhân tố mới, cho đường dài, như Giroud, như Podolski và như Cazorla…