
AVB tái ngộ Chelsea: Chiến thắng nảy mầm từ thất bại
Cuối tuần này, Villas-Boas sẽ gặp lại Chelsea, đội bóng mà người ta bảo rằng ông đã một tay phá nát tất cả. Nhưng dưới một cái nhìn khác, có thể nói Villas-Boas chính là người giúp Chelsea lột xác, bằng đống đổ nát mà ông tạo ra…
1.Để đi đến thành công, người ta luôn phải trả những cái giá đắt. Để tạo nên một chiến thắng vĩ đại luôn phải bắt nguồn từ những thất bại vĩ đại. Chẳng thế mà trước khi sáng tác Tuyển truyện “Người sao hỏa lừng lẫy” (The Martian Chronicles), Ray Bradbury đã mất 10 năm miệt mài viết mỗi tuần 1 truyện ngắn. Khi phát minh ra máy bay, hai anh em Orville và Wilbur Wright đã phá hỏng 216 hình mẫu đôi cánh máy bay trong hầm gió.
Hay khi kết luận được rằng quỹ đạo các hành tinh là hình elip, nhà bác học Johannes Kepler mất gần 10 năm viết những con số chi chít lên 9.000 tờ giấy. Và để tạo ra một đội bóng vĩ đại với một HLV mang tính biểu tượng, người ta cũng cần đến những cuộc phẫu thuật đau đớn…
Hành trình để đạt tới mục tiêu là một quá trình dài được đúc kết bằng những cơn bạo bệnh. Và mỗi khi thất bại, người ta có xu hướng tìm kiếm hy vọng bằng mọi cách, ở mọi nơi. Wenger là HLV ngoài Vương quốc anh đầu tiên tại Arsenal, ông cũng là biểu tượng của CLB, nhưng Wenger chỉ là một người chữa cháy, thế chỗ giữa chừng cho Bruce Rioch và 2 HLV tạm quyền không thành công. Wenger xuất hiện, gần 1 thập kỷ không danh hiệu của Arsenal mới chấm dứt. Khi tay trắng suốt 5 năm với các HLV nội, M.U tìm đến HLV ngoại đầu tiên: Frank O’Farrell (Ireland).

Chelsea cũng vậy. Suốt 50 năm thất bại với HLV nội, họ biến mình thành đội bóng nước ngoài với những cầu thủ ngoại, HLV ngoại. Và Chelsea thay đổi nhờ những người nói tiếng Anh lơ lớ…
2.Sau kỷ nguyên Glenn Hoddle (1993-1996), Chelsea không bổ nhiệm HLV nội nữa. Ruud Gullit là HLV nước ngoài đầu tiên nắm quyền và đến nay đã là 16 năm, Chelsea không dùng HLV nội (trừ 2 người tạm quyền: Graham Rix - 2 trận; Ray Wilkins - 1 trận). Đây cũng chính là giai đoạn Chelsea bấn loạn vì thất bại, họ mất niềm tin vào các HLV bản địa khi sự kiên nhẫn đã kéo dài quá sức chịu đựng.
Sau khi Ken Bates nắm quyền chủ tịch Chelsea (1982), ông đã có tuyên bố khiến nhiều người ngã ngửa, gây nhiều tranh cãi: “Chelsea phải đi theo con đường mới với những HLV đẳng cấp, những người mà ở Anh không có”. Đó là thực tế mà nước Anh phải thừa nhận trong hơn 1 thập kỷ qua. Họ quá thiếu những HLV thực sự đẳng cấp, giống như cách Premier League vắng ngôi sao và phải nhập khẩu cầu thủ đến mức… “lạm phát”.

Sao ngoại, HLV cũng ngoại
Tạp chí Financial Times từng có thống kê khiến nhiều người sốc: mùa giải 2007/08, tỷ lệ thời gian thi đấu cả mùa giải của các cầu thủ Anh chỉ chiếm 37%. Như vậy, 63% còn lại là của các cầu thủ nước ngoài. Tổng thời gian thi đấu của các cầu thủ tại Premier League từ khi ra đời (1992/93) đến nay cũng chỉ có 39% dành cho cầu thủ nội. Và quãng thời gian từ 1998 đến 2010, có tới 72% tuyển thủ Anh được huấn luyện bởi các HLV ngoại ở các CLB. Đó là lý do tại sao ĐT Anh thiếu bản sắc, phải tìm kiếm những HLV nước ngoài dù đó là điều chẳng ai muốn.
Rồi đến thời điểm Abramovich tiếp quản Chelsea (2003), Chelsea hoàn toàn đi theo con đường “quốc tế hóa”. Thành công của Abramovich đến sau khi Mourinho có mặt. Và chính sự giải tỏa với chức vô địch Premier League sau 50 năm chờ đợi càng làm cho hướng đi của Chelsea thêm rõ ràng như một xu thế riêng do Abramovich tạo ra. Vì muốn có những HLV giỏi nhất mà ông dám bỏ 15 triệu bảng để giải thoát Villas-Boas khỏi Porto. Chính Chelsea đã thừa nhận, Villas-Boas là người có tài. Chỉ có điều, ông chưa gặp thời và có thể Chelsea đã quá vội vàng trong năm đầu tiên làm quen với môi trường Premier League.
VILLAS-BOAS Tỷ lệ chiến thắng của Villas-Boas tại Chelsea là 48%. Đây là tỷ lệ thắng thấp nhất trong các đời HLV Chelsea kể từ năm 1996, khi Chelsea bắt đầu dùng HLV nước ngoài. Tuy nhiên, nếu so với 18 đời HLV người Anh trước đó trong lịch sử Chelsea kể từ năm 1907 thì Villas-Boas vẫn là HLV có tỷ lệ chiến thắng cao nhất. |
Vì thế mà người ta nhìn Villas-Boas dưới con mắt của kẻ thất bại. Nhưng nhìn ở góc độ của Ray Bradbury, anh em Orville và Wilbur Wright hay Johannes Kepler, chính Villas-Boas cũng tạo ra bước ngoặt cho CLB. Villas-Boas có tạo ra bi kịch, mới xuất hiện Di Matteo.
Villas-Boas có biến Chelsea thành bãi chiến trường, họ mới chiến đấu như những kẻ chẳng có gì để mất và chiến thắng nhờ tâm thế thoải mái ấy. Hay nói cách khác, chiến thắng của Chelsea nảy mầm từ thất bại.
Đó cũng là bài học về sự kiên nhẫn, khi thành công đang đến ở Tottenham với một Villas-Boas rất khác so với cách đây 1 năm…