Lăng Kính: Giới hạn của niềm tin
>>
>>
1. Họ là một trong những CLB có quỹ lương cao nhất Premiership, với 140 triệu bảng/mùa được sử dụng để trả lương (tăng so với 124 triệu bảng của mùa trước). Con số này, vẫn ít hơn Man United và Man City khoảng 40-50 triệu bảng, nhưng đã cao hơn Tottenham đến 45 triệu bảng. 45 triệu bảng có thể tạo nên sự khác biệt cho một mùa chuyển nhượng, và nêu ra con số ấy để thấy rằng Arsenal không mua sắm, nhưng không có nghĩa là họ tiết kiệm.
Quỹ lương khổng lồ của Arsenal không tập trung cho một vài cầu thủ ngôi sao như các đội bóng lớn khác. Họ dàn trải, với mức lương của nhiều cầu thủ tương đương nhau, tạo ra một sự gắn kết trong đội hình và “nuôi” được một đội ngũ dày dặn. Lukas Podolski, cầu thủ đang nhận lương cao nhất trong đội hình Arsenal, cũng chỉ nhận 90.000 bảng/tuần. Đó là số tiền mà Bobby Zamora đã đòi hỏi khi sang thi đấu tại… QPR.
Arsenal không có danh hiệu, nhưng họ vẫn có thành công với việc được tham dự Champions League tất cả các mùa. Giá trị thương hiệu của họ vẫn tăng. Và đó không phải thành công miễn phí. Cách này hay cách khác, HLV Wenger vẫn phải đầu tư một số tiền không nhỏ so với mặt bằng chung vào đội hình của ông.
2.Arsenal vẫn phải tiêu tiền. Và họ vẫn phải kiếm tiền. Trận đấu với Chelsea có thể là ví dụ tiêu biểu cho chính sách tận thu của Arsenal: đây sẽ là trận đấu có giá vé đắt nhất trong lịch sử Premier League, với mức giá thấp nhất cho một chỗ ngồi trên khán đài là… 65 bảng (trên 2 triệu đồng).
Hãy so sánh: Borussia Dortmund, CLB có đông CĐV nhất làng bóng đá Đức và không bao giờ sợ có ghế trống ngay cả khi họ thi đấu bết bát hồi đầu thập kỷ trước, cũng chỉ thu 10 bảng cho một vé ở khán đài A, B.
Thực tế, Arsenal có thu lợi bao nhiêu từ mua bán cầu thủ cũng không thể bù đắp được số tiền họ đã đánh mất từ doanh thu BQTH các giải đấu (vốn được chia theo thứ hạng) và doanh thu thương mại (vốn đến từ thành công của một CLB). Họ chỉ còn một cách là tận thu từ các CĐV trung thành.
Arsenal đã liên tục tăng giá vé trong hơn 10 năm qua, và Emirates trở thành SVĐ đắt đỏ nhất nước Anh kể từ năm ngoái. Yêu đến mấy, cũng đã có những CĐV thể hiện sự bức bối, nhất là khi người ta nhìn vào cách Arsenal “đói” danh hiệu.
3.Mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn. Nếu Arsenal không thể vô địch, họ phải có một lý do nào đó để bắt CĐV “nôn ra” tới hơn 60 bảng để được vào sân xem họ thi đấu. Những cuộc đối đầu với các CLB lớn có thể là lý-do-nào-đó.
Chưa thể nói rằng đây là mùa giải “tới hạn” của Arsenal. Nhưng lại một lần nữa họ tăng giá vé, lại một lần nữa họ bán đi một ngôi sao, họ sẽ phải làm điều gì đó để tri ân khách hàng.
Có thể trận đấu với Chelsea này sẽ ghi nhận một bước chuyển quan trọng của Arsenal: họ có thể tiếp tục níu giữ những “khách hàng” trung thành không, hay sẽ đánh mất hầu hết niềm tin trong 90 phút?