Góc chiến thuật: Khác biệt từ cặp Matic-Mikel
Chelsea 2014/15 là một đội ngũ giàu kỹ thuật và cống hiến nhất từng được Jose Mourinho “nhào nặn” nên, với điểm nhấn là những cầu thủ tấn công siêu hạng. Nhưng rạng sáng nay, họ đã thể hiện một bộ mặt khác, tương đồng hơn với Chelsea của Mourinho “nhiệm kỳ đầu”. Trong buổi tối lạnh giá ở Britannia, The Blues tỏ ra chắc chắn, lạnh lùng và mạnh mẽ đáng sợ.
VIDEO: Stoke 0-2 Chelsea
“Người đặc biệt” có một sự thay đổi nhỏ nhưng vô cùng quan trọng ở hàng tiền vệ trong trận đấu vừa qua. Lần thứ 2 trong mùa giải này ông lựa chọn Mikel đá cặp ở trung tâm hàng tiền vệ với Matic, giống như đã làm trước Hull hồi đầu tháng (trận đấu mà Chelsea cũng đã thắng với tỉ số 2-0).
Như thế, Cesc Fabregas được kéo lên cao hơn trong bộ ba tiền vệ, còn Oscar phải ngồi dự bị. Nhờ đó, The Blues trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Chẳng cần biết tới cái danh tiếng “chém đinh chặt sắt” của Stoke, chính đội đầu bảng lại là những người đã “cày nát” sân Britannia.
Phần thắng trong những cuộc đối đầu tay đôi trên sân thường xuyên thuộc về Chelsea: Diego Costa chạm trán Marc Muniesa, Branislav Ivanovic chặn đứng Marko Arnautovic, và đặc biệt, cặp Mikel cùng Matic đã hoàn toàn khóa chặt Bojan Krkic.
Cựu tiền đạo Barca liên tục phải lùi xuống rất sâu để tạo khoảng trống và tìm bóng, bởi Stoke hầu như không có sự kết nối giữa tuyến tiền vệ và hàng công. Rốt cuộc, cứ mỗi lần nhận được bóng, Bojan lại phải tự mình đột phá, và nhiệm vụ vượt qua cặp lá chắn Mikel-Matic rõ ràng quá khả năng của cầu thủ người TBN.
Bojan bất lực trước cặp Matic-Mikel
Ở phía trên, Fabregas cũng chẳng mấy khó khăn thích nghi với vai trò hộ công. Anh chọn vị trí rất thông minh, thường xuyên loại bỏ sự truy cản của Steven Nzonzi hoặc Geoff Cameron bên phía Stoke chỉ với những pha phối hợp đơn giản, trước khi chọc khe cho Costa băng xuống. Đáng tiếc là tiền đạo gốc Brazil đã bỏ lỡ 2 cơ hội ngon ăn, nếu không Chelsea đã không chỉ thắng với cách biệt 2 bàn.
Cả hàng thủ lẫn hàng công, Chelsea đều vượt trội về mặt thể lực. Thủ môn Thibaut Courtois đương đầu xuất sắc với những quả tạt và những đường chuyền dài của Stoke, hình ảnh hoàn toàn tương phản với những gì đàn anh Petr Cech đã thể hiện cũng tại Britannia mùa trước (The Blues thua 2-3). Costa hiển nhiên mạnh mẽ hơn Fernando Torres, và chiếm ưu thế trong những pha không chiến với các trung vệ của đội chủ nhà. Về phần mình, Stoke đã bị chính “gậy ông đập lưng ông”, đặc biệt trong bàn mở tỉ số, khi John Terry ghi bàn từ quả đánh đầu vốn là sở trường của các học trò Mark Hughes.
Chelsea đã biết cách giảm nhịp độ trận đấu một cách hợp lý và hiếm khi nào gặp khó khăn trước những pha lên bóng của đối phương. Họ kết hợp giữa những tình huống đẩy bóng nhanh cho Fabregas trước khi tung đòn “kết liễu”, hoặc cầm bóng từ phần sân nhà để bình tĩnh triển khai tấn công. Có thể quyền kiểm soát bóng không thực sự vượt trội, nhưng thế trận đã nghiêng hẳn về phía Chelsea, nhờ hàng thủ hiệu quả cả khi có lẫn không có bóng.
Vấn đề đáng lo duy nhất của đội bóng Tây London chỉ là sức bền. Bộ tứ vệ có vẻ thiếu cơ động hơn hẳn so với thông thường, bởi Mourinho hiếm khi xoay vòng ở mùa giải năm nay. Nên nhớ, đây mới chỉ là trận đầu tiên của chuỗi 4 trận trong vòng 11 ngày sắp tới. Nhưng dù sao, với chiến thắng vừa qua, “Người đặc biệt” lại một lần nữa chứng tỏ mình là một bậc thầy chiến thuật.