Chiến lược cho mượn của Chelsea: Khôn ngoan nhưng tàn nhẫn
Về cơ bản, kế hoạch của họ là mua những tài năng trẻ với giá phải chăng, mang họ cho mượn ở các CLB họ có thể được đá chính và bán đi thu về khoản lợi nhuận lớn, dù cho nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa biết mặt mũi sân tập Cobham của đội bóng chủ sở hữu họ ra sao.
Những con số liên quan tới các hợp đồng cho mượn của Chelsea từ đầu mùa 2010/11 tới nay là rất đáng chú ý. Trong 156 hợp đồng cho mượn cầu thủ trong và ngoài nước ở Anh giai đoạn đó, thì 76 là của Chelsea, bao gồm 37 là cho mượn ở ngoài nước Anh. Trong 5 năm đó, tất cả những cầu thủ được mang cho mượn chỉ chơi tổng cộng 129 trận cho The Blues, trong khi số tiền chuyển nhượng mà Stamford Bridge thu về nhờ bán cầu thủ từng đem cho mượn lên tới 104 triệu bảng.
Huyền thoại bóng đá người Hà Lan Ruud Gullit, một cựu HLV Chelsea, bình luận về hệ thống đó: “Đó là hệ thống đào tạo trẻ của họ. Với cá nhân tôi, dù là một CĐV Chelsea, cũng phải thừa nhận có những cầu thủ trẻ sẽ không bao giờ chơi cho Chelsea, họ sẽ chỉ được chơi ở những đội mà họ tới theo dạng cho mượn. Tôi không muốn điều đó xảy ra với một cầu thủ trẻ. Tôi muốn họ chơi ở một giải đấu mà họ mơ ước và nỗ lực vì nó. Vì thế với tôi, hệ thống đó có vấn đề”.
Cựu HLV Chelsea - Ruud Gullit
“Không sai, đó là lựa chọn của họ. Thêm nữa, họ cũng nhận được rất nhiều tiền từ Chelsea và tất cả các đội đều làm như thế ở những mức độ khác nhau, Arsenal, Liverpool… Bố mẹ họ có công ăn việc làm tốt, họ có tiền, có nhà đẹp… Tôi hiểu tất cả những điều đó và hiểu Chelsea, nhưng từ quan điểm của tôi, làm sao để các cầu thủ đó có thể tiến bộ về mặt chuyên môn nếu mãi chỉ chơi cho các đội hạng hai?”
Bất cứ cầu thủ trẻ nào cũng sẽ bị hấp dẫn bởi một đội bóng ở quy mô và danh tiếng như Chelsea. Họ là gã khổng lồ ở Premier League và cả châu Âu. Nếu đổi lại là bạn, ở tuổi 16, bạn chắc chắn khó mà nói không với một cơ hội như thế.
Chelsea cũng xây dựng tỉ mỉ hệ thống các CLB “sân sau” của họ trong thời gian qua, nổi bật nhất có lẽ là đội bóng ở giải vô địch Hà Lan Eredivisie, Vitesse Arnhem. Chelsea đã cho mượn tới 10 cầu thủ ở đây, đáng kể nhất là Nemanja Matic. LĐBĐ Hà Lan từng điều tra mối quan hệ giữa hai CLB vào tháng 4/2014 sau khi chủ cũ của Vitesse, Merab Jordania, tiết lộ CLB London ép họ phải mượn và cho ra sân một số cầu thủ, đồng thời không muốn Vitesse tham dự Champions League.
Matic trong màu áo Vitesse Arnhem
Chủ mới của đội bóng Hà Lan, Alexander Chigrinskiy, là bạn rất thân và đối tác làm ăn của ông chủ Chelsea Roman Abramovich. Theo nhiều nghĩa, Vitesse thực sự là một sân sau của Chelsea, dẫu chưa có cầu thủ nào mà họ cho mượn ở đó trở lại để trở thành một trụ cột cho đội đầu bảng Premier League (Matic đã rời Chelsea sang Benfica rồi mới trở lại).
Gullit giải thích thêm: “Nếu nhìn vào Chelsea, ai là cầu thủ trẻ nhất của họ lúc này? Có lẽ là Hazard? Nhưng anh ấy cũng đã nhiều kinh nghiệm. Sẽ rất khó cho các cầu thủ trẻ thật sự được trải nghiệm bóng đá đỉnh cao ở đó”.
Một ví dụ rất hay được dẫn ra là Gael Kakuta. Từng được ca ngợi là có triển vọng trở thành một ngôi sao đẳng cấp thế giới, Kakuta từng khiến Chelsea mạo hiểm có thể bị cấm chuyển nhượng 2 năm để đưa anh về. Tuy nhiên, tới nay tiền vệ người Pháp đã được cho mượn 6 lần ở 5 quốc gia khác nhau (Anh, Hà Lan, Italia, Pháp và giờ là TBN). Tổng cộng, anh chỉ ra sân có 4 trận cho Chelsea ở Premier League suốt hơn 6 năm trời.
Kakuta xuất hiện rất ít trong màu áo Chelsea
Tất nhiên, quả là có những cầu thủ trẻ không đủ trình độ cho đội 1 Chelsea. Với những người đó, một hợp đồng cho mượn là tốt cho tất cả. Cũng phải thấy rằng khi một đội bóng theo đuổi một cầu thủ trẻ, họ cũng đã chấp nhận không ít rủi ro. Họ không bao giờ biết trước triển vọng có biến thành sự thật hay không.
Tuy nhiên, cách làm của Chelsea hoàn toàn là sự toan tính lạnh lùng. Ngoại trừ Thibaut Courtois, không ít những cầu thủ tài năng khác đã bị coi là những món hàng không hơn không kém. Kevin de Bruyne, Romelu Lukaku và Ryan Bertrand đều thể hiện rất tốt trong những hợp đồng cho mượn của họ, nhưng không bao giờ có cơ hội thật sự ở đội 1. Với việc bán đi 3 cầu thủ đó, Chelsea đã thu về khoản lợi nhuận khoảng 30 triệu bảng.
Cả ba hẳn đều muốn ở lại Stamford Bridge và đóng góp cho Chelsea, nhưng ngay từ đầu, đội bóng áo xanh đã chỉ coi đó là những khoản đầu cơ, chứ không hề tính tới việc giúp họ phát triển tài năng, giúp họ trưởng thành và đưa vào đội 1. Một cách làm khôn ngoan, nhưng thật tàn nhẫn.