Chỉ số kiến tạo trong bóng đá bị phóng đại?
Có lẽ không phải thế. Trong nhiều năm qua, giới chuyên môn luôn dùng chỉ số kiến tạo làm thước đo khả năng chuyền bóng của các cầu thủ. Nhưng thực chất, chỉ số này lại không mang nhiều ý nghĩa.
Hãy bắt đầu với những khái niệm hiển nhiên, như bàn thắng làm nên chiến thắng, và những cú sút dẫn tới bàn thắng. Để có thể sút bóng, các đội bóng phải tìm cách chuyền bóng tới vị trí thuận lợi. Như vậy, chỉ số kiến tạo chỉ nói lên những người có đường chuyền dẫn tới bàn thắng. Câu hỏi đặt ra là liệu một cầu thủ có nhiều đường chuyền thành bàn có chắc chắn giỏi chuyền bóng hơn một cầu thủ có nhiều đường chuyền bị lãng phí hay không.
Cách nhanh nhất để đánh giá khía cạnh này là tính tỉ lệ kiến tạo trên số đường chuyền. Chúng ta sẽ loại bỏ những đường chuyền và những cú sút từ đá phạt hay phạt góc. Như vậy tính riêng ở mùa 2012/13 của Premier League, có hơn 6.000 đường chuyền dẫn tới những cú sút, nhưng chỉ chưa đầy 600 trong số đó dẫn tới bàn thắng mà thôi.
Để đánh giá đúng chất lượng các đường chuyền, cần phải tìm hiểu từ những người đã thực hiện chúng nhiều nhất. 28 cầu thủ đã có ít nhất 40 đường chuyền, và những người này kiến tạo tổng cộng 133 bàn thắng. Chúng ta chia những đường chuyền của mỗi người ra thành 2 nhóm, mỗi nhóm có ít nhất 20 đường chuyền. Từ đó tính tỉ lệ kiến tạo trên tổng số đường chuyền.
Chuyền tốt chưa chắc đã kiến tạo nhiều
Trong 28 cầu thủ kể trên, tỷ lệ kiến tạo giữa 2 nhóm đường chuyền hầu như không có sự tương quan. Nói cách khác, không một cầu thủ nào duy trì được tỉ lệ kiến tạo ổn định. Họ chỉ có thể cố gắng chuyền bóng tốt nhất tới vị trí của người sút, còn sau đó ra sao thì không thể tự mình phán quyết.
Nhưng không phải tất cả đường chuyền đều tạo ra cơ hội ngang nhau. Những người chuyền bóng đặt đồng đội vào những tình thế thuận lợi hơn là những người giỏi hơn. Ví dụ, một đường chuyền của Hazard tìm tới đúng chân của tiền đạo, cách khung thành chỉ 10 mét, chắc chắn là hơn một quả tạt bổng vào vòng cấm giữa vòng vây hàng loạt hậu vệ đối phương. Thế nhưng, khía cạnh này cũng khó đánh giá công tâm, bởi chất lượng các đường kiến tạo còn phụ thuộc vào vị trí thi đấu của cầu thủ. Một tiền vệ công như Hazard không chuyền bóng dài như tiền vệ phòng ngự, người chỉ thường xuyên đứng ở vạch giữa sân.
Để phân tích chính xác hơn, ta có thể sử dụng một khái niệm gọi là “các bàn thắng tiềm năng”. Mỗi cú sút đều có khả năng dẫn tới bàn thắng, tùy thuộc vào tình huống dẫn tới nó, nơi nó diễn ra, bằng chân hay bằng đầu… Khi những khả năng này được tổng hợp dựa trên thông số từ một cầu thủ hay một đội bóng, nó sẽ chỉ ra số bàn thắng mà cầu thủ và đội bóng ấy sẽ ghi được qua những cú sút của họ. Trong hầu hết các trường hợp, người sút bóng đứng xa khung thành hoặc ở góc hẹp có cơ hội ăn bàn thấp, tương tự là những pha dứt điểm bằng đầu.
Những pha dứt điểm bằng đầu có tỉ lệ ăn bàn thấp
Một số người có khả năng tạo ra những bàn thắng tiềm năng nhiều hơn người khác, nhưng một lần nữa, vị trí thi đấu lại đóng vai trò then chốt. Số đường kiến tạo không nói lên tài năng của người chuyền, mà chính xác hơn là thể hiện kỹ năng dứt điểm của người sút. Nếu chúng ta muốn tìm ra một cầu thủ có kỹ năng chuyền bóng siêu hạng, chúng ta phải căn cứ vào tình thế những đường chuyền họ tạo ra có thuận lợi hơn những đường chuyền của người khác hay không, với cùng một chân sút.
Hãy xem xét đến chất lượng mỗi đường chuyền dẫn tới những cú sút. Chúng ta tìm ra nó bằng cách lấy số bàn thắng tiềm năng trên mỗi cú sút trừ đi trung bình số bàn thắng tiềm năng của mỗi cú sút, với cùng một chân sút. Nhưng ở giá trị thứ 2, ta chỉ xét những cú sút được thực hiện từ đường chuyền của các chân chuyền khác. Chúng ta lấy giá trị trung bình này với từng chân chuyền, và xem xem ai hiệu quả nhất.
Ta gọi giá trị trung bình trên là “số delta” của các chân chuyền. Chỉ xét những cầu thủ có 40 đường chuyền hoặc hơn, vậy những người có số delta cao nhất mùa 2012/13 là Gareth Bale (Tottenham), 4,4%; Robin van Persie (M.U), 3,7%; Samir Nasri (Man City), 3,1%. Tất cả họ đều là những cầu thủ tấn công, nhưng 2 trong đó không phải tiền đạo. Thậm chí những hậu vệ cánh như Glen Johnson (Liverpool) và Leighton Baines (Everton) cũng nằm trong top 10 về chỉ số delta. Hazard chỉ đứng thứ 13.
Bale có chỉ số delta cao nhất
17 trong 28 chân chuyền nói trên đã tạo ra những đường bóng dẫn tới những tình huống thuận lợi hơn so với người khác. Để xem họ có duy trì được ổn định chất lượng những đường chuyền hay không, ta lại chia những đường chuyền thành 2 nhóm, và so sánh số delta có được. Lần này sự tương quan giữa 2 nhóm cao hơn và tích cực hơn, 0,57. Con số delta biểu thị chất lượng đường chuyền có vẻ như đáng tin cậy hơn nhiều so với con số kiến tạo.
Tất nhiên, delta chỉ là một thước đo chất lượng các đường chuyền, không phải số đường chuyền. Để tính số lần chuyền bóng, ta dựa theo số đường chuyền dẫn tới những cú sút trong mỗi phút thi đấu (nhưng điều này cũng sẽ lệ thuộc vào khả năng của người sút). Không một ai sở hữu số delta và tỉ lệ chuyền bóng cao hơn Mata mùa 2012/13, nhưng xếp thứ 2 là Luis Suarez của Liverpool chứ không phải Hazard. Tính số lần kiến tạo, Suarez chỉ có 5. Một mùa sau, anh có 12 đường kiến tạo. Sẽ là phi lý nếu dựa vào đó nhận định rằng sau 1 năm, tài năng chuyền bóng của El Pistolero đã xuất sắc gấp đôi.
Sự khác biệt giữa những đường chuyền chuyển hóa thành bàn thắng và những đường chuyền chuyển hóa thành những cú sút (thường gọi là đường chuyền quyết định) khiến cho ta khó đánh giá hơn. Có những cầu thủ chuyền bóng rất giỏi và ổn định, nhưng lại không có nhiều pha kiến tạo thành bàn. Bởi vậy, con số kiến tạo không phải cách hay để đánh giá chất lượng chuyền bóng của một cầu thủ.