Góc nhìn: Wenger sẽ chôn vùi Arsenal?
Ông đã ở đây 18 năm. Ông kiếm về rất nhiều tiền cho CLB từ mua bán cầu thủ và các hoạt động kinh doanh khác. Ông giúp Arsenal dự vòng bảng Champions League liên tiếp 17 mùa. Ông đem lại cảm giác an toàn, bằng vẻ ngoài bao dung, hiền hậu và khoảng thời gian 18 năm gắn bó. Nhưng với ông - Arsene Wenger - liệu Arsenal có thể trở lại đỉnh cao không, hay sẽ nằm chờ một cái chết âm thầm trong tương lai? Chưa biết, người ta chỉ hay rằng, ở Premier League 2014/15, Arsenal - Wenger đã tung cờ trắng khi giải mới trôi qua hơn 10 vòng đấu.
THIÊN TÀI KIẾM TIỀN…
Ba năm trước, ông chủ Stan Kroenke của Arsenal từng phá vỡ thói quen im lặng có tiếng của mình để dành cho Wenger một lời khen nhiệt thành: Ông ta gọi HLV người Pháp là “người đánh giá tối thượng”. Kroenke bày tỏ sự ngưỡng mộ với năng lực tuyệt vời nhất của ông Wenger: Nhìn ra giá trị thật của các cầu thủ.
Kroenke không hề sai. HLV người Pháp đích thực là một thiên tài mua bán, và hầu như không có một nhà quản lý bóng đá nào có thể đồng thời thu được lợi tức lớn từ chuyển nhượng cầu thủ và bằng cách nào đó vẫn duy trì được vị trí dự Champions League từ năm này qua năm khác như ông Wenger.
Không hề ngạc nhiên khi các ông chủ yêu quý Wenger đến vậy: HLV người Pháp là một nhà ảo thuật tài chính. Kroenke cũng củng cố lời khen của mình bằng việc dẫn ra một cái tên: Billy Beane, HLV của đội bóng chày Oakland Athletic, người đã trở thành chủ đề của cuốn sách dạng best-seller sau này được chuyển thế thành bộ phim cùng tên có Brad Pitt thủ vai chính - Moneyball.
“Billy Beane rất nổi tiếng ở Mỹ” - Kroenke từng phát biểu trên tờ Daily Mail. “Và các bạn có biết ai là thần tượng của ông ta không? Arsene Wenger. Không đùa đâu. Các bạn biết tại sao không? Năng lực sử dụng tiền và trích xuất các giá trị. Đó là tất cả bí quyết về con đường dẫn đến thành công trong thể thao”.
…& HLV THẤT BẠI
Nhưng Kroenke rõ ràng đã bỏ qua nhiều điều. Beane đã giành được bao nhiêu danh hiệu World Series (diễn ra giữa nhà vô địch của American League và National League)? Không gì cả. Ông ta đã từng vào chung kết World Series? Cũng không. Thậm chí, Beane chưa từng vô địch American League.
Thành tích của Oakland dưới thời Beane cho đến giờ là 6 chức vô địch giải miền Tây của American League và vào đến vòng play-off Divisional Series các năm 2000, 2002, 2003 và 2006. Có bao nhiêu đội tham gia giải miền Tây? Chỉ 4 mà thôi! Vị trí của Oakland ở American League dưới thời Beane, thật trùng hợp, cũng quẩn quanh ở Top 4, nhưng vô địch thì không.
Thành công lớn nhất của Oakland là đã tạo cảm giác rằng họ có thể cạnh tranh danh hiệu với một ngân sách ít ỏi, cộng với một vài thành tựu về mặt con số như chuỗi 20 trận bất bại năm 2002 và thành tích phòng thủ tốt nhất American League năm 2010, nhưng thực sự thì họ không có khả năng vô địch.
Moneyball, thật cay đắng, là một thứ lý thuyết hoàn toàn... đúng với tên gọi của nó: Ông chủ của Arsenal tất nhiên rất thích một người làm ra tiền cho đội bóng, nhưng các CĐV thì không. Họ cần một HLV chiến thắng, người có thể lấp đầy phòng truyền thống bằng những danh hiệu. Wenger có vẻ không còn là người phù hợp cho mục tiêu ấy.
Arsenal mùa bóng này giành số điểm sau 11 vòng tệ thứ nhì dưới triều đại Wenger (17 điểm, tệ nhất là 16 điểm mùa 2012-13), và chính HLV người Pháp thừa nhận rằng CLB của ông đã hết cơ hội vô địch, dù giải mới đi qua 1/4 chặng đường. Ông không còn lời nào để biện minh: Nợ xây sân Emirates đã được trả xong, CLB cũng đã dám ‘phóng tay’ trên thị trường chuyển nhượng, mà hai thương vụ Mesut Oezil và Alexis Sanchez là những minh chứng tiêu biểu, còn Wenger thì có đủ quyền lực để làm bất cứ những gì ông muốn ở Arsenal hòng đưa CLB tiến lên.
Nhưng tất cả đang sụp đổ. Wenger có thể đem lại cảm giác quen thuộc và an toàn. Ông cũng có thể kiếm về hàng đống tiền cho ông chủ CLB. Nhưng ông có lẽ sẽ tự tay mình chôn vùi chính Đế chế một thời do ông thai nghén và sản sinh. Trong đau đớn.
Wenger & Những cột mốc cuộc đời
1949: Sinh ra ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 22/10.
1974: Tốt nghiệp cử nhân kinh tế ở Đại học Strasbourg.
1978: Chơi trận chuyên nghiệp đầu tiên cho Strasbourg, gặp Monaco.
1981: Lấy bằng HLV ở Paris. Được bổ nhiệm làm HLV đội trẻ Strasbourg.
1987: Được bổ nhiệm làm HLV Monaco.
1994: Monaco lọt vào bán kết Champions League.
1996: Giúp Grampus Eight giành ngôi á quân J-League và Siêu Cúp Nhật.
Ngày 28/11 trở thành HLV trưởng của Arsenal.
1998: Giành chức vô địch Premier League với kỷ lục 10 chiến thắng liên tiếp, sau đó cân bằng kỷ lục của Arsenal với cú đúp danh hiệu quốc nội nhờ chiến thắng 2-0 trước Newcastle ở chung kết FA Cup.
2002: Giành cú đúp quốc nội thứ hai.
Sa thải hay không sa thải?
Đó là vấn đề của các CĐV Arsenal. Họ chưa bao giờ dứt khoát với thái độ của mình. Từ 2 năm trước, cựu tiền vệ Arsenal Stewart Robson đã đặt câu hỏi này, vào thời điểm các cuộc biểu tình đòi sa thải ông Wenger leo thang. Nhưng rốt cục thì sau lời trấn an của ông chủ Stan Kroenke, các CĐV Arsenal lại thay đổi thái độ.
Tháng Tư năm nay, một cuộc khảo sát với mẫu khoảng 8 nghìn CĐV Arsenal cho thấy một nửa số đó muốn sa thải HLV Wenger. Nhưng khi Arsenal vô địch FA Cup một tháng sau đó, mọi chuyện đâu lại hoàn đấy: Các CĐV lại gọi Wenger là ‘người cha tinh thần’, trong khi CLB đã tuyên bố từ trước rằng ngay cả khi trắng tay, HLV người Pháp vẫn sẽ được giữ lại. Mới đây, NHM Arsenal cũng lập một chiến dịch đòi sa thải Wenger trên mạng xã hội, nhưng có lẽ nó cũng sẽ bị dập tắt sớm, nếu đội bóng tìm được vài ba chiến thắng.
Các CĐV và BLĐ Arsenal luôn dùng dằng giữa hai thái cực ấy: Khi rơi vào tình cảnh cùng cực, họ muốn thay đổi, nhưng cảm giác an toàn lại ngăn họ lại khi đội bóng tìm được vài chiến thắng. Kịch bản của mùa bóng thì chẳng có gì khác trong 10 năm qua: Arsenal luôn tạo ra tranh cãi, đôi khi cho thấy le lói vài tia hy vọng về chức vô địch, nhưng rốt cục đầu hàng sớm với cuộc đua và kết thúc mùa bóng với vị trí dự Champions League, và các CĐV lại tự hài lòng.
Sa thải hay không sa thải Wenger, đó là vấn đề.