Diego Costa: Những phút yếu mềm của “Quý ngài giận dữ”
NHỮNG LỜI ĐÙA CAY NGHIỆT
Diego Costa sinh ra ở Lagarto, một mảnh đất vốn không sản sinh ra nhiều danh thủ như những nơi khác trên đất Brazil. Trên thực tế, Costa cũng chính là niềm tự hào lớn nhất của Lagarto về bóng đá. Có một điểm đặc biệt: bọn trẻ ở đây không mặc chiếc áo vàng xanh của Selecao mà mặc chiếc áo đỏ của đội tuyển Tây Ban Nha, kể cả trong thời gian diễn ra World Cup 2014 vừa qua. Đây có thể xem là một nguyên nhân quan trọng khiến Costa “chối bỏ nguồn gốc” mà chọn Tây Ban Nha làm đội tuyển hồi năm ngoái.
Như mọi đứa trẻ Brazil khác, Costa yêu bóng đá từ trong huyết quản. Khi đi học về là vùi đầu vào những trận đấu. “Nó rất ghét thua trận,” ông bố Jose của Costa cho biết. “Một trận thua có thể khiến nó hậm hực cả ngày. Ngay từ khi sinh ra nó đã là một đấu sĩ. Chiến thắng là thứ duy nhất có ý nghĩa với nó”.
Ấy vậy mà đấu sĩ ấy lại có những lúc yếu lòng. Đấy là khi anh lần đầu tiên trải nghiệm bóng đá sân cỏ với CLB Barcelona EC, một CLB địa phương không quá nổi tiếng, năm 14 tuổi. Vị Chủ tịch Paulo Moura của CLB ấy nhớ lại: “Khi Costa đến, chúng tôi có hậu vệ rất giỏi là Felipe. Nhưng Diego chẳng sợ hãi gì, cậu ta mau chóng thu hút sự chú ý. Không có nhiều cầu thủ từ đường phố tạo ấn tượng ngay sau khi chuyển sang sân cỏ như thế”.
Thế nhưng thu nhập của Costa trong thời gian đầu quá thấp. Đội bán chuyên của Barcelona EC trả cho cậu bé có 100 USD/tháng. Các anh em họ ở Sao Paulo luôn sỉ nhục, chê bai Costa. Họ nói: “Mày chỉ là một cầu thủ xoàng xĩnh, người ta thuê mày chỉ để rót nước, giặt đồ, lau giày cho các cầu thủ chính thôi. Nếu không họ đã không trả cho mày đồng lương của lao công”.
Bọn anh em họ của Costa ngày ấy bán CD giả và quần áo ở chợ trời. Bọn chúng khoe những khoảng thu nhập cao gấp 5 lần Costa. Sự trêu chọc của bọn trẻ ấy cay nghiệt đến mức Costa chỉ muốn bỏ bóng đá. Điều này buộc Chủ tịch Moura phải lái xe xuống tận ngoại ô Sao Paulo để “giải cứu” ngôi sao trẻ của mình.
“Đấy không phải là chuyện đơn giản,” Moura nhớ lại. “Tôi đã xuống nhà cậu ấy ít nhất là 4 lần mới thuyết phục được. Bọn anh em họ của Costa bơm vào đầu cậu ấy những điều rác rưởi. Chúng có thể vào bar, xem cine và mua những bộ quần áo diêm dúa trong khi Costa chỉ đủ tiền để đi xe bus. Tôi đã phải thuyết phục cậu ấy dọn vào trong khu nhà tập thể của đội bóng để quên đi những lời chọc ghẹo cay nghiệt kia”.
TÀI NĂNG BỊ CHỐI BỎ
Phút yếu lòng thứ 2 của Costa xảy ra cũng chỉ ít lâu sau đó. Đấy là khi Sao Paulo, Palmeiras và Portuguesa đều từ chối cơ hội xem Costa thi đấu. Không phải họ không tin vào tài năng của Costa (đã ai xem cậu chơi bóng đâu!) mà vì không tin vào con mắt của Moura và một vài tuyển trạch viên khác.
“Ngày ấy Costa rất dễ cảm thấy tổn thương,” Cristiane Pernambuco, người đại diện đầu tiên của Costa, cho biết. “Cậu ấy không hề kiên nhẫn dù chúng tôi đã ra sức thuyết phục rằng cậu ấy có tiềm năng trở thành một cầu thủ hàng đầu”.
Sự ức chế tăng dần vì có cảm giác bị bóng đá chối bỏ, Costa nổi giận ngay trong một trận đấu khi đấm thẳng vào mặt một đối thủ và còn đe dọa trọng tài trên đường rời sân. Án cấm thi đấu 120 ngày khiến cho “siêu cò” Jorge Mendes suy nghĩ lại trong việc thu nhận Costa. “Cậu ấy bắt đầu khóc, khóc rất nhiều,” Chủ tịch Moura kể. “Cậu ấy gầm lên: Tôi không chơi bóng nữa, tôi đã làm mọi thứ mà bây giờ họ đối xử với tôi như thế này đây. Tôi cóc cần bóng đá nữa”.
Rất may là vị Chủ tịch của Barcelona EC đã có một đoạn băng, trong đó ghi lại cảnh đối thủ đã tấn công Costa trước và hành động của Costa chỉ mang tính trả đũa mà thôi. Đơn kháng án cho Costa đã được duyệt và rốt cục cậu cũng đã có động lực để trở lại với bóng đá. Đấy là khởi nguồn cho mối lương duyên Costa - Jorge Mendes để mang cậu sang Braga, Bồ Đào Nha sau này.
Trong thời gian ở Braga, Costa lại được Mendes giới thiệu cho các tuyển trạch viên Chelsea. Ngồi trong “ban giám khảo” có cả Jose Mourinho. Nhưng Mourinho đã bỏ qua cơ hội để ký hợp đồng với Costa vào năm 2006. Sau này khi báo chí đề cập lại chuyện này, Mourinho đã nói: “Bọn tôi đều là lũ có mắt như mù, đặc biệt là tôi”.
DIEGO COSTA & PREMIER LEAGUE
9 - Số trận
757 - Số phút
10&75,7 - Số bàn:10 (bình quân75,7 phút/bàn)
82% - Dứt điểm chính xác
18 - Tạo cơ hội ghi bàn
“ĐIỂM DANH” NHỮNG CHÂN SÚT TRONG KỶ NGUYÊN ABRAMOVICH - Jimmy Floyd Hasselbaink (2002-2004; 177 trận, 88 bàn). Tiền đạo Hà Lan giành 1 Chiếc giày vàng Premier League và nhiều lời khen ngợi, nhưng không có danh hiệu nào cùng Chelsea. Điểm: 8/10. - Carlton Cole (2002-2006; 31 trận, 8 bàn). Claudio Ranieri đôn lên đội một, nhưng lại không được Mourinho tin dùng sau đó. Điểm: 2/10. - Adrian Mutu (2003-2004; 38 trận, 10 bàn). Một trong những bản HĐ đầu tiên của Abramovich có khởi đầu hứa hẹn, nhưng lại dính vào scandal doping. Anh bị CLB thải loại sau đó. Điểm: 4/10. - Hernan Crespo (2003-2008, 73 trận, 25 bàn). Luôn nguy hiểm khi có mặt trên sân, nhưng lại không phải mẫu trung phong mà Mourinho yêu thích. Điểm: 6/10. - Didier Drogba (2004-2012 và 2014-nay; 350 trận, 158 bàn). Tiền đạo vĩ đại nhất qua mọi thời của Chelsea. Là hợp đồng do Mourinho đích thân tuyển chọn, là sức sống hàng công The Blues trong suốt 8 năm, giành 10 danh hiệu. Điểm: 9/10. - Mateja Kezman (2004-2005; 40 trận, 7 bàn). Tuyệt vời ở Hà Lan, vô hại tại Anh. Anh được Mourinho ký rồi bán đi chỉ sau 1 năm với cùng mức giá 5,3 triệu bảng. Điểm: 2/10. - Andriy Shevchenko (2006-2009; 77 trận, 22 bàn). Con cưng của Abramovich, con ghẻ của Mourinho. Điểm: 3/10. - Claudio Pizarro (2007-2008; 31 trận, 2 bàn). Mourinho ký theo dạng CNTD. Anh ghi 1 bàn trận ra mắt, nhưng chỉ ghi thêm 1 bàn nữa suốt thời gian sau đó. Điểm: 2/10. - Nicolas Anelka (2008-2012; 184 trận, 59 bàn). Thường bị buộc phải chơi rộng. Anelka đã thể hiện được ít nhiều tài nghệ tại Chelsea, đặc biệt khoảng thời gian dài mà Drogba chấn thương. Điểm: 7/10. - Franco di Santo (2008-2009; 16 trận, 0 bàn). Hoàn toàn thất vọng. Điểm: 1/10. - Daniel Sturridge (2009-2013; 96 trận, 24 bàn). Sturridge đã khẳng định mình là một trung phong giỏi, khi đá cho Bolton theo dạng cho mượn và ở Liverpool sau này. Chelsea chưa từng cho anh đá ở vị trí ấy. Điểm: 5/10. - Fernando Torres (2011-nay, 172 trận, 45 bàn). Sức ép của bản hợp đồng kỷ lục 50 triệu bảng đã dìm chết Torres. Có những phút lóe sáng, nhưng nhìn chung là thất vọng. Điểm: 4/10. - Romelu Lukaku (2011-2013; 15 trận, 0 bàn). Có đủ phẩm chất để trở thành một Drogba mới, nhưng cả Lukaku và Chelsea lại không đủ kiên nhẫn dành cho nhau. Điểm: 2/10. - Demba Ba (2013-2014; 51 trận, 14 bàn). Một trung phong dạng khá, chỉ dùng chữa cháy. Điểm: 5/10. - Samuel Eto’o (2013-2014; 34 trận, 12 bàn): Vẫn khẳng định được giá trị dù đã qua thời đỉnh cao. Điểm: 6/10. |