Quan nhất thời...
Bí ẩn ấy là gì? Là chúng ta hầu như không biết gì về họ, và hãy coi chừng những dự đoán, phân tích tưởng chừng hợp lý nhất, logic nhất sẽ sớm trở thành lố bịch nhất, buồn cười nhất. Southampton đang thăng hoa dù mất một loạt trụ cột trong mùa hè, phải chăng Ronald Koeman là thánh sống? Newcastle khởi đầu ì ạch, nhưng vừa thắng liên tiếp 3 trận ở Premier League, vậy Alan Pardew dở hay tài? Manuel Pellegrini và Arsene Wenger đang bị chỉ trích dữ dội, nhưng hãy cẩn thận nếu cho rằng họ là những vị tướng tồi, hoặc nặng nề hơn nữa là… kém kiến thức và khả năng huấn luyện bóng đá nếu so với những HLV nghiệp dư là… chúng ta.
Cho dù ngay ngày mai Wenger và Pellegrini bị sa thải, không ai có thể tước đi của họ những thành quả xứng đáng họ từng giành được. Wenger tạo nên đội bóng bất bại cả mùa duy nhất tại giải VĐQG Anh trong suốt 1 thập kỷ qua. Pellegrini mới mùa đầu dẫn dắt Man City đã có 2 danh hiệu Premier League và League Cup. Trước khi đến Man City, Pellegrini đã khẳng định được mình ở những đội bóng mạnh ở La Liga, và từng được nắm Real Madrid.
Pellegrini cũng như Wenger khởi đầu khá hoàn hảo trong bóng đá Anh, nhưng bấy nhiêu không đủ giúp họ có cái kết theo kiểu Hollywood Ending. Những bộ phim của Hollywood có cả kết thúc kiểu thiên trường địa cửu, nhưng cũng có những cái kết vô cùng tàn khốc. Ngay cả đời thường, chuyện của Hollywood, của giới showbiz Mỹ cũng vô cùng khó lường, ví dụ Britney Spears kết hôn rồi ly dị chỉ sau chưa đầy 72 tiếng.
“Điên” là đặc thù của Hollywood. Bóng đá Anh cũng đang “điên” theo hướng tích cực, nghĩa là tính cạnh tranh cực cao dẫn đến hệ quả tất yếu là mỗi HLV đều sống dưới áp lực khủng khiếp. Người ta sẽ ca ngợi họ là thiên tài, hoặc dè bỉu họ là… Forrest Gump hoặc Samuel “Sam” Dawson đơn giản chỉ vì một yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên: một quyết định sai lệch của trọng tài, một chiếc thẻ đỏ không xác đáng, một bàn thắng (hoặc bàn thua) do may rủi sau một tình huống hỗn loạn trong vùng cấm địa.
Thế đấy, bóng đá Anh khắc nghiệt và tàn nhẫn đến mức ngay cả Jose Mourinho cũng đã tuyên bố trước: “Tôi phải chuẩn bị sẵn tâm lý bị sa thải, và phải trải qua những bài học tâm lý để không nổi khùng khi những kẻ dở hơi chẳng hiểu gì về bóng đá lên mặt dạy tôi cách sử dụng 4-2-3-1 hoặc bố trí Oscar chơi ở vị trí nào phù hợp nhất”.
HLV, suy cho cùng, cũng chỉ là một người làm công ở một CLB, dù quyền lực và ảnh hưởng lớn hơn các cầu thủ. Ở Anh chỉ có 1 HLV bất khả xâm phạm, nhưng Alex Ferguson đã giải nghệ. Andre Villa-Boas, Rafael Benitez, Roberto Mancini đều thấm thía câu “quan nhất thời” tại Premier League, sau đỉnh cao có thể lập tức là vực sâu không lối thoát. Các đội bóng được quyền chọn HLV, thay vì ngược lại. Tiếng nói của các CĐV có thể khiến một HLV mất việc hoặc được giữ lại, chắc chắn Wenger và Pardew hiểu rõ điều này hơn ai hết. Có một điều chắc chắn: 20 HLV cầm quân ở Premier League đều rất giỏi, dù mất việc vẫn không sợ thiếu việc (như David Moyes vừa được Sociedad chiêu mộ). Một điều chắc chắn khác: thành hay bại chỉ là nhất thời, cả 20 vị ấy không ai nắm “chiêu bài miễn tử”, nhưng đó cũng là một phần của cuộc chơi và là nét thú vị gần như là duy nhất chỉ có ở làng cầm quân tại Premier League.