Bình luận: Làm chủ con số, làm chủ chính mình
Ai mà không có lúc bị cảm giác đánh lừa. Các HLV, tức người trong cuộc, như Alex Ferguson hoặc Arsene Wenger đều đã thú nhận là từng “thấy vậy, nhưng không phải vậy”, từ đó dẫn đến kết luận sai lầm về cầu thủ của mình, rồi lại kéo theo cả chuỗi những sai lầm khác như một hệ quả tất yếu. Chính vì vậy mà Ferguson và Wenger đều đi tiên phong trong việc thừa nhận giá trị của sách thống kê. Họ trở thành khách hàng thân thiết của hãng Opta ngay từ thập niên 1990.
Trước những con số lạnh lùng và khô khan, người ta có thể hiểu và đánh giá theo những cách rất khác nhau. Nhìn vào hàng trăm ngàn con số thống kê luôn được đảm bảo là chính xác tuyệt đối (khách hàng có thể kiện hãng thống kê ra tòa nếu phát hiện sai sót), khối người cười khẩy: tóm lại, những con số ấy nói lên điều gì? Xin thưa: hỏi thế cũng là một cách trả lời – câu trả lời nói lên người vừa hỏi đứng ở đâu trong cái thế giới bóng đá sôi động nhưng cũng bát nháo, hấp dẫn nhưng cũng điên rồ này.
Có người nghiền ngẫm để rút cuộc cũng tìm ra một kết luận cho riêng mình, có người chỉ lo đi tìm xem đâu là kết luận (sẵn có, theo ý người khác) của cái bảng số liệu rắc rối ấy. Có người bảo một hậu vệ “nhát giò” khi không tích cực tranh bóng trong chân đối phương, có người lại bảo chính hậu vệ ấy “thông minh” khi không đẩy mình vào hoàn cảnh phải tranh chấp.
Ngày xưa, đôi khi người ta không thể đánh giá chính xác những gì xảy ra ngay trước mắt mình, vì đấy chỉ là sự đánh giá theo cảm tính. Bây giờ, khoa học kỹ thuật cung cấp cho giới bóng đá tất cả những gì họ muốn biết – từ tốc độ, quãng đường di chuyển của từng cầu thủ cho đến khối lượng oxy trong từng nhịp thở hoặc dư lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày của anh ta. Tỷ lệ chuyền bóng chính xác hoặc thói quen ngước nhìn khi đang di chuyển, tất cả đều đã sẵn có.
Nhưng biết thì chưa đủ. Thành công chỉ đến với những ai làm chủ được những con số trong tay họ, chứ không phải những ai trở thành nô lệ hoặc hoang mang trước những con số ấy.