Điệp khúc đến rồi... bán
4 ngày trước, vào thời điểm nhà tài phiệt Vladimir Antonov bị bắt vì dính líu tới một đường dây rửa tiền ở Lithuania, tại Portsmouth, tất cả đều thầm hiểu với nhau một sự thật đau thương: Một lần nữa, Portsmouth sẽ lại thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. 3 tháng ngắn ngủi sống dưới triều đại Antonov qua nhanh quá.
Người ta đã hy vọng vào tương lai, hy vọng vào ngày trở lại Premiership không còn xa. Ấy vậy mà một lần nữa, niềm tin của NHM Portsmouth bị phản bội. Antonov trở thành ông chủ thứ 5 trong 2 năm của Portsmouth để rồi cũng diễn lại vở kịch “đem con bỏ chợ” như những người trước đó.
Giật mình nhớ lại. 3 tháng ngắn ngủi chắc chắn là chưa đủ để CĐV Portsmouth quên đi bóng tối mà những ông chủ nửa mùa mang tới Fratton Park trong suốt 2 năm qua. Khởi đầu cho chuỗi ngày ác mộng ấy là tỉ phú Sulaiman Al Fahim. Ông đến, ông tiếp quản, và ông… bán. Sau khi Al Fahim tuyên bố tiếp quản Portsmouth một thời gian, người ta mới ngã ngửa khi biết, ông thực chất chỉ nắm giữ 10% cổ phần, 90% còn lại thuộc về một tỉ phú khác: Ali al-Faraj. Ai cũng hiểu, Al Fahim chỉ coi Portsmouth như một món hàng, mua đi bán lại hòng kiếm lời.
Nhưng Ali al-Faraj cũng chẳng khá hơn kẻ đã bán 90% cổ phần Portsmouth cho ông là mấy. Suốt trong thời gian nắm Portsmouth, Ali al-Faraj toàn đi vay tiền của một nguồn khác là Balram Chainrai để duy trì hoạt động cho Pompey. Để rồi như một hệ quả tất yếu, Portsmouth lần thứ 4 đổi chủ sau khi Ali al-Faraj tuyên bố không thể thanh toán các khoản nợ cho Chainrai. Tỉ phú người Ả rập lại dùng chính Portsmouth gán cho Chainrai để trừ nợ.
Kỳ lạ ở chỗ, số tiền Ali al-Faraj nợ chỉ gần 30 triệu USD, quá nhỏ so với tài sản của ông. Nhưng cái vận của Portsmouth là vậy – lại bị biến thành món hàng gán nợ, ngay cả khi chủ của nó là Chainrai - kẻ sau này tiếp tục bán Portsmouth cho ông chủ vừa bị bắt, Vladimir Antonov.
Trách nhiệm của FA?
Nhìn vào bi kịch của Portsmouth, ai cũng bất giác thốt lên câu hỏi: Nếu LĐBĐ Anh (FA) có quy trình thẩm định tài chính cũng như tham vọng của các ông chủ nước ngoài trước khi giao một trong những CLB họ quản lý cho nhóm tài phiệt ấy, liệu Porstmouth có bi thương đến vậy?
Premiership chuyên nghiệp ở đâu khi bất kỳ kẻ nào có tiền cũng có thể nhảy vào cuộc chơi, để rồi những CLB hùng mạnh một thời bị biến thành món hàng mua đi bán lại? Liệu FA có nên giám sát kỹ càng cam kết của các chủ đầu tư, hoặc ít nhất là thẩm định năng lực tài chính của họ trước mỗi cuộc mua bán hay không? Bởi chính sự chuyên nghiệp ấy là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của cả một nền bóng đá.
Bongdaplus.vn