Một lần nữa, dư luận Anh lại dấy lên câu hỏi về việc kiểm tra tư cách của các chủ sở hữu trước khi quyết định cho họ mua CLB. Nhưng đây có phải việc làm khả thi?
Đã có rất nhiều chủ sở hữu ngoại quốc đến với Premiership trong một thân phận không rõ ràng. Tỷ phú Thaksin Shinawatra của Thái Lan, chủ sở hữu cũ của Man City là một ví dụ. Ông vướng vào rất nhiều rắc rối ở Thái Lan. Tất cả những thứ đó, không hề vi phạm luật pháp Anh hay luật của FA. Nhưng lại có thể ảnh hưởng đến CLB: Thaksin thực chất không đủ ổn định để lãnh đạo Man City (sống lưu vong khắp thế giới, tài sản bị đóng băng). Rất may là “tái ông thất mã”: Thaksin sau đó bán CLB cho ông chủ hiện tại, một người giàu có hơn. Nếu ông “bỏ của chạy lấy người” mà bán cho một nhân vật như Al-Fahim, Man City có thể đã đi theo đường của Portsmouth.
Tỷ phú Gudmundsson của Iceland, ông chủ một thời của West Ham cũng là ví dụ cho thấy việc kiểm tra tư cách là bất khả thi. Ngay cả chính phủ Iceland cũng chẳng xác định được sự mờ ám trong việc kinh doanh của ông này. Chỉ đến khi Gudmundsson phá sản và khiến West Ham lao đao, người ta mới giật mình. Giờ thì chính phủ Iceland đang tiến hành một cuộc điều tra lớn về công việc kinh doanh của Gudmundsson.
Còn nhiều nhân vật đến Premiership trong bộ dạng đường hoàng của một doanh nhân, như Carson Yeung (Birmingham), Sulaiman Al-Fahim hay Al-Faraj (Portsmouth), nhưng cho đến giờ, khi CLB đã điêu đứng vì sự vô trách nhiệm của họ, người ta vẫn chẳng thể nào xác minh thân phận thực sự của giới chủ này ra sao.
Để làm được một cuộc kiểm tra tư cách theo nghĩa hoàn chỉnh, lại với những nhân vật ngoại quốc có tiểu sử phức tạp, cần đến một thế lực theo kiểu Interpol. Đó là điều mà Premiership không thể làm. Và rủi ro là không thể tránh khỏi.
Bongdaplus.vn