1.Vua Ba Tư chiếm được một vương quốc nhỏ, bắt được một nhà hiền triết. Nhà vua muốn chơi một trò chơi với trí tuệ của nhà hiền triết nọ. Ngài ra bài toán: “Ta cho ông nói một câu. Nếu ông nói đúng ta đem ông đi chém đầu. Nếu ông nói sai ta đưa ông đi treo cổ”.
Nhà hiền triết nói: “Tôi sẽ bị treo cổ”. Nhà vua cười: “Nếu ngài đã muốn thế, ta sẽ đáp ứng”, rồi gọi quân lính vào đem nhà hiền triết đi chém đầu. Nhưng tù nhân này đã ngăn lại: “Nếu ngài đem tôi đi chém, nghĩa là tôi nói sai. Nếu tôi nói sai, tôi sẽ phải bị treo cổ”. Nhà vua lúng túng: nếu đem ông ta đi treo cổ, phát ngôn kia lại thành đúng, nghĩa là phải chém đầu. Một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Thế là nhà hiền triết thoát chết thần kỳ.
Vấn đề nghe có vẻ phức tạp, thật ra nguyên nhân rất đơn giản: câu nói của nhà hiền triết không hề có thông tin chính xác, và không thể phân định đúng sai để mà đưa ra hình phạt. Nó chỉ trông-có-vẻ là một mệnh đề logic mà thôi.
Những câu trông-có-vẻ logic ấy bây giờ trở thành một thủ pháp ngoại giao khá kinh điển. Đưa ra một mệnh đề xuôi tai, mặc dù không có chút giá trị biện chứng nào, và thế là người nói có thể thoát khỏi những tình huống khó khăn. Người khôn ăn nói nửa chừng.
2. Hãy nghe câu này: “Nếu chúng tôi vượt qua được tháng 12, chúng tôi sẽ quay trở lại đường đua”. Tháng 12 của người nói ra câu ấy ngầm nhắc đến những cuộc chạm trán của Chelsea với Newcastle, Valencia (Champions League) và Man City. Chủ nhân của câu nói là Villas-Boas, và đó là một câu nói gần như không có thông tin.
Bởi, khái niệm “quay trở lại đường đua” là một thứ mơ hồ và chẳng có giá trị nào đối với công việc mà Villas-Boas nhận lương để làm: đưa Chelsea đến chức vô địch. Hãy nghe Villas-Boas nói tiếp: “Tôi không phải phù thủy, tôi không thể nói trước được gì. Tháng 3 hay tháng 4 cũng có thể đóng vai trò quyết định như tháng 12”.
Nghe Villas-Boas nói xong một chuỗi những lời xuôi tai ấy, cái thu lại được hình như… không có gì cả. Chỉ là một thông điệp rất đơn giản và ngây ngô: “Đừng sa thải tôi”.
Đừng sa thải ông, khi khán giả Stamford Bridge đã phát điên. Đừng sa thải ông, khi các nhà cái đã bắt đầu hạ tỷ lệ đặt cửa cho việc ông ra đi xuống thấp cực điểm. Đừng sa thải ông, khi Chelsea đã thua trận sân nhà thứ 3 trong 4 trận gần nhất.
3. Đoạn đối thoại giả tưởng của Villas-Boas và “đức vua” Abramovich có thể sẽ diễn ra như thế này: “Tôi sa thải ông” - “Nhưng tôi đã nói rằng mình không phải phù thủy” - “Tôi sa thải ông chính vì điều đó” - “Nhưng trên thế giới bóng đá không có ai là phù thủy cả”…
Và đoạn sau thì những người yêu Chelsea có thể tự đoán được. Abramovich thở dài: “Thôi được, ông nói gì cũng đúng. Nhưng giờ tôi sa thải ông vì tôi thích thế”. Sa Hoàng Abramovich khác với vua đời xưa, nên chuyện ngày nay không thể hay như truyện ngụ ngôn được. Cho dù câu nói thì vẫn lòng vòng khôn khéo.
Thật ra thì những phát biểu kiểu Villas-Boas vốn vẫn được sử dụng đầy rẫy trong bóng đá nói riêng hay ngoại giao nói chung. Nhưng đêm qua, đáng ra ông không nên nói câu nào.
Nếu có gì cần nói, nên là một phát biểu có tính logic thực sự. Arsene Wenger và Ferguson trong bối cảnh tồi tệ nhất, cũng đủ can đảm đưa ra mục tiêu cụ thể, dù chẳng ai biết họ có thực hiện được hay không. Sự ngụy biện kiểu cách chỉ càng làm cho mọi thứ trông có dáng dấp của một cuộc thảm bại.
Ở Stamford Bridge, Villas-Boas hình như đang thua nốt những mẩu danh dự cuối cùng.
Bongdaplus.vn