Sân vận động Maracana: Thánh địa đã mất linh hồn
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 8/6
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
XÂY MARACANA NHƯ XÂY KIM TỰ THÁP
Maracana được xây dựng chỉ vài năm sau khi kết thúc Thế chiến II. Ngày ấy, khi các nước châu Âu đang vật lộn với công cuộc tái thiết, Brazil đã tận dụng ngay cơ hội xin đăng cai World Cup. Và Maracana được xây trong khoảng thời gian kỷ lục 2 năm từ 1948 đến 1950.
Để xây trong thời gian ngắn ấy, tất nhiên là phải tốn rất nhiều công sức. Gần 10.000 công nhân đã làm việc quần quật, kỳ công có lẽ không kém gì dân Ai Cập cổ đại xây Kim Tự Tháp. Sức chứa chính thức của Maracana được công bố là 183.000, tức nhiều hơn 43.000 chỗ so với sân bóng lớn thế giới trước đó là Hampden Park ở Scotland. Trong trận “chung kết” World Cup 1950, người ta bảo có đến 200.000 người có mặt tại sân. Tất nhiên là tuyệt đại đa số... đứng để xem, trừ chỗ ngồi cho các quan chức.
Maracana từ khi ra đời đã là niềm tự hào của Brazil trước toàn thế giới. Brazil là quốc gia đá bóng giỏi nhất, họ cũng phải sở hữu sân bóng lớn nhất. Đấy là nơi mà những huyền thoại lớn nhất của bóng đá Brazil từng thi đấu, là nơi chứng kiến Pele ghi bàn thứ 1.000 trong sự nghiệp, một quả phạt đền mà sau này Pele gọi là “ý Chúa”: “Chúa muốn cả thế giới phải tập trung xem tôi ghi bàn. Vì nếu tôi ghi bàn từ một tình huống bóng sống, có thể người ta đang... cột giây giày hay lơ đãng mà bỏ qua bàn thắng”.
Không khí cuồng nhiệt tại SVĐ Maracana thủa trước
Maracana đã từng tiếp đón Đức Giáo hoàng, từng biểu diễn những buổi đại nhạc hội hoành tráng bậc nhất thế giới với những Frank Sinatra, The Beatles hay The Rolling Stones. Khi chính quyền định tư hữu hóa sân Maracana, hàng nghìn người từ đủ mọi thành phần: công nhân, giáo viên, sinh viên, thổ dân... biểu tình trước sân. Maracana dứt khoát phải là của nhân dân Brazil.
MARACANA GIỜ LÀ CỦA AI?
Maracana, ngay từ vị trí, đã gói gọn được đời sống Brazil. Nó được bao bọc bởi những ngọn đồi và những khu ổ chuột. Những người giàu nhất sống trong những ngôi nhà khang trang trên dồi và ở những khu ổ chuột là những người nghèo nhất. Từ Maracana, bạn có thể nhìn thấy tượng Chúa Cứu Thế. Còn nếu như đứng từ vị trí của tượng Chúa, Maracana sẽ hiện ra như một bể nước.
Nhưng nếu bạn muốn nhìn thấy Maracana từ tượng Chúa, xin mời trả 18 USD. Đấy là con số ngoài tầm với của những người dân ở đây. Trước đây, Maracana có một khu vực mở cửa cho tham quan, du khách chỉ phải trả 1,8 USD mà thôi. Sau khi sân này tái thiết để phục vụ cho World Cup, khu vực ấy đã đóng cửa.
Năm 2013, khi Maracana hoàn thiện phần nâng cấp với tổng chi phí 600 triệu USD để tổ chức các trận đấu tại Confed Cup, sức chứa của nó đã bị giảm xuống còn 76.804 người, tức chưa đến phân nửa sức chứa cũ.
Maracana ngày càng xa cách người dân
Christopher Gaffney, một giáo sư nghiên cứu trong ngành đô thị của đại học Fluminense, nói: “Cứ sau mỗi lần nâng cấp, sửa sang, Maracana lại càng xa cách với người dân bởi trước khi sửa chữa, họ không hề tiến hành nghiên cứu xem dân chúng muốn gì. Văn hóa bóng đá Brazil không giống châu Âu, người ta không vào sân với lon bia và xúc xích. Bản thân việc tham gia vào trận đấu đã là một thành tố quan trọng của văn hóa Rio”.
WORLD CUP CỦA NGƯỜI GIÀU
Tại một SVĐ khác cũng tại Rio, sân Engenhão, những cọc tre được kết họp biến thành... cột cờ, bay phần phật trên đầu các CĐV ở một góc khán đài. Trống đánh liên hồi, mọi người ca hát và chạy lên chạy xuống những chỗ ngồi. Nhưng rồi sau khi tái xây dựng, vé giá rẻ vào sân cũng tốn đến 18 USD, mắc gấp 10 lần giá vé ở những khán đài đứng tại sân cũ Maracana. Một trận đấu gần đây giữa 2 đội bóng địa phương, khán giả chỉ phủ kín 1/3 sân.
Marcos Alvito, người sáng lập Hiệp hội CĐV Quốc gia (hiện đã có 2.700 thành viên) chuyên đòi hỏi quyền lợi cho các fan bóng đá Brazil, phát biểu: “Người ta cố khẳng định là bóng đá vẫn vậy, sân vận động vẫn vậy, nhưng điều đó không đúng. Bóng đá ngày càng xa cách với người có thu nhập thấp”.
Những khán đài xa xỉ, những chỗ ngồi hiện đại và an ninh cải thiện đã khiến Maracana ngày càng xa cách với tuyệt đại đa số dân chúng Brazil. Họ cũng tăng giá vé với lý do “giá vé ở Brazil vẫn ở mặt bằng quá thấp so với giá vé xem bóng đá ở châu Âu”. Rodrigo Paiva, phát ngôn viên của BTC World Cup địa phương, nói: “Những CĐV trung thành không thể bị đối xử như những công dân hạng 2 ở các sân bóng cấp quận. Họ xứng đáng có tầm nhìn tốt hơn, an toàn hơn, thoải mái hơn”.
Nghe người đại diện BTC nói thế, có lẽ bạn cũng đã nhận ra World Cup lần này và Maracana của nhân dân Brazil bây giờ dành cho ai.
* Thông tin về toàn bộ 12 sân đấu phục vụ World cup