UEFA, mà cụ thể là chủ tịch Michel Platini, có rất nhiều cải tổ đối với Europa League những năm qua, từ việc đổi tên cho tới thể thức đấu loại. Mục đích là nhằm giúp giải đấu hấp dẫn và kịch tính hơn. Tuy nhiên, Europa League vẫn bị xem như sân chơi hạng hai. Và những thay đổi chỉ khiến giải đấu rườm rà và nhạt nhẽo hơn mà thôi.
Năm nay là mùa thứ ba, UEFA Cup được đổi tên thành Europa League và có tới 12 bảng ở vòng bảng. Và một lần nữa, NHM đang phải chứng kiến một vòng bảng hỗn loạn, thiếu cạnh tranh. Với 12 bảng đấu, vòng bảng Europa League sẽ gồm rất nhiều CLB nhỏ, thậm chí là vô danh. Điều đó đồng nghĩa giải đấu sẽ có quá nhiều trận cầu chênh lệch, thiếu chất lượng, cũng như sức hút. Đương nhiên, hậu quả kéo theo là Europa League ngày càng thiếu hẳn tính bất ngờ và sớm an bài.
Vấn đề này càng trở nên rõ nét ở mùa giải năm nay. Chỉ sau 3 vòng, cục diện tại vòng bảng Europa League 2011/12 gần như đã được định đoạt. Hầu hết các CLB danh tiếng hoặc có đôi chút tên tuổi đều đang chiếm lĩnh 2 vị trí dẫn đầu. Đặc biệt, rất nhiều trong số đó xem như đã đặt vé vào vòng trong.
Cụ thể, đó là Tottenham, PSV, Stoke City, Bilbao, PSG, Udinese, Atletico, Schalke, Fulham, Twente hay Anderlecht. Ngay cả một Birmingham, đang chơi tại hạng Nhất Anh cũng làm mưa làm gió ở Europa League mùa này (dẫn đầu bảng H). Chỉ duy nhất Lazio là CLB tên tuổi bị thất thế sau 3 loạt trận đầu.
Như đã nói, hầu hết CLB tên tuổi, đặc biệt thuộc nhóm 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, đều đang giữ ngôi đầu và bỏ lại khá xa phần còn lại. Rất nhiều số đó hoàn toàn có thể giành vé vào vòng knock-out ngay sau loạt trận giữa tuần này. Tottenham xem như sẽ đi tiếp nếu hạ gục Rubin Kazan. PSV cũng sẽ thẳng tiến vào vòng 1/16 nếu vượt qua Hapoel Tel-Aviv. Sporting Lisbon nắm chắc ngôi đầu khi có thêm một chiến thắng nữa trước Vaslui. Những “ông lớn” khác như Stoke City, Bilbao, Udinese, Schalke, Twente hay Anderlecht cũng đang sớm chiếm ưu thế lấn át như vậy.
Việc các đội bóng tên tuổi dắt tay nhau đi tiếp có nghĩa, loạt trận giữa tuần này, cũng như 2 vòng đấu cuối, sẽ gồm rất nhiều trận đấu vô vị và nhàm chán. Cụ thể, đó là những cuộc đối đầu giữa các CLB vốn đã bé nhỏ, nay lại không còn nhiều ý nghĩa về mặt điểm số.
Hệ quả của việc nhân rộng số đội, nhưng chia nhỏ chất lượng mà UEFA áp dụng cho Europa League đã quá rõ ràng và đáng báo động. Chẳng hiểu, cha đẻ của cuộc cách mạng đó là chủ tịch Michel Platini có xem Europa League, và có biết thực trạng nói trên hay không?
Nguồn: bongdaplus.vn